Trang chủ  Tin tức sự kiện  Thông tin Quốc hội và đại biểu Quốc hội
ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI PHẠM NHƯ HIỆP THAM GIA Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)
Cập nhật:14/06/2022 8:51:41 SA
ĐBQH tỉnh Phạm Như Hiệp nêu ý kiến tại hội trường
ĐBQH tỉnh Phạm Như Hiệp nêu ý kiến tại hội trường
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, sáng ngày 13/6, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Phạm Như Hiệp phát biểu tham gia vào Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại hội trường
Sau một buổi làm việc tích cực, dân chủ, nghiêm túc, khẩn trương, đã có 27 ý kiến phát biểu, 2 đại biểu tranh luận. Các ý kiến phát biểu trên tinh thần xây dựng, có những vấn đề chung và nhiều góp ý cụ thể xuất phát từ thực tiễn của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm.

Thảo luận về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Như Hiệp cơ bản nhất trí với ý kiến của Ban soạn thảo. Để góp phần hoàn thiện Dự thảo Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội thông qua, ĐBQH Phạm Như Hiệp đã cho ý kiến tại khoản 6, Điều 6 về áp dụng phương pháp chuyên môn y tế chưa được công nhận.

Theo đó, đại biểu Phạm Như Hiệp đề nghị phải đề cập rõ vì hiện nay quy trình phê duyệt kỹ thuật khá phức tạp, các danh mục kỹ thuật tại các thông tư của Bộ Y tế vẫn còn chưa đầy đủ để phục vụ cho công tác khám bệnh (KB), chữa bệnh (CB). Một phần là do các kỹ thuật mới luôn được phát hiện, một phần là chưa kịp cập nhật các danh mục, đặc biệt vẫn còn một số kỹ thuật đơn giản nhưng có trong danh mục nên sẽ gây khó khăn cho công tác KB, CB. Tương tự, khoản này cũng ảnh hưởng đến Điều 78 và 79 về việc áp dụng các kỹ thuật mới, phương pháp mới vì quy trình phê duyệt kỹ thuật mới có nhiều bước phức tạp và thường rất lâu, chưa kịp thời đáp ứng được nhu cầu KB, CB. Nhiều kỹ thuật mới, cập nhật hiện đại thường cho kết quả tốt hơn như rút ngắn thời gian điều trị, ít tai biến, người bệnh phục hồi nhanh hơn. Đại biểu Phạm Như Hiệp cho rằng, khoản 6, Điều 6 này cũng mâu thuẫn với Điều 4, mục 4 về việc khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong KB, CB nên phải điều chỉnh.

Tại Điều 73 quy định về dinh dưỡng, tiết chế trong điều trị. Đại biểu Phạm Như Hiệp đề nghị bảo hiểm xã hội thanh toán có bổ sung trong đóng góp bảo hiểm y tế của bệnh nhân.

Về tuyến chuyên môn kỹ thuật quy định tại Điều 86, ĐBQH Phạm Như Hiệp cho biết, hệ thống tổ chức cơ sở KB, CB của Nhà nước có 4 tuyến gắn với tuyến hành chính và được phân theo 4 tuyến chuyên môn kỹ thuật (cũ), dự thảo mới chia thành 3 cấp (1,2,3). Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm y tế lại quy định dựa vào phân hạng bệnh viện để xác định cơ sở KB, CB bảo hiểm y tế ban đầu và thanh toán chi phí KB, CB bảo hiểm y tế. Do vậy, Đại biểu Phạm Như Hiệp đề nghị cần có văn bản hướng dẫn đồng nhất phù hợp giữa hạng bệnh viện tuyến (cấp) chuyên môn kỹ thuật để thuận tiện trong quá trình hoạt động của Bệnh viện đặc biệt là thanh toán chi phí bảo hiểm y tế. “Nên có hình thức luân chuyển, hoán đổi, cấp phép... cho vị trí nhân lực giữa tuyến trên tuyến dưới để vừa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tiết kiệm nguồn nhân lực”, ĐBQH Phạm Như Hiệp đề xuất.

Liên quan đến xã hội hóa công tác KB, CB, trong đó Mục 3 của Điều 90 đề cập hoạt động liên doanh, liên kết, thuê dịch vụ hoặc cho thuê dịch vụ của cơ sở KB, CB Nhà nước thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước. Đại biểu Phạm Như Hiệp cho rằng, điều này cần phải phân tích cụ thể hơn để tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở y tế hoạt động. “Vấn đề ở chỗ là người đứng đầu bệnh viện phải có kiến thức quản lý hoạt động liên kết như thế nào phù hợp. Trước đây, có Thông tư 15 của Bộ Y tế nhưng quá trình thực hiện cho thấy đã lạc hậu và phát hiện có nhiều bất cập. Người quản lý của các hoạt động liên kết này phải làm thế nào để có sự giám sát, kiểm tra và việc đánh giá trong từng giai đoạn để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của bệnh viện, bệnh nhân và nhà đầu tư. Có như vậy, hoạt động liên doanh, liên kết mới tiếp tục phát triển”, ĐBQH Phạm Như Hiệp nêu quan điểm.

 Bản in]