Trang chủ  Tin tức sự kiện  Tin tức sự kiện trong tỉnh
Hội nghị trực tuyến toàn quốc "Vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững"
Cập nhật:23/09/2019 4:13:53 CH
Sáng 23/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững". Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban của Quốc hội và đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung; đại diện Lãnh đạo các địa phương, các Sở, ban, ngành liên quan và ban Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt hiệu quả về kinh tế - xã hội, góp phần trực tiếp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho vay khu vực dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới,... và đối tượng hộ nghèo. Người thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, trình độ quản lý vốn, mạnh dạn vay vốn và sử dụng vốn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo.

Theo đó, tính đến ngày 31/8/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng (tăng 40,2%) so với 31/12/2015.  Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội chủ yếu được đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác (chiếm gần 98% tổng dư nợ). Trong đó, tập trung ưu tiên cho vay đối với hộ nghèo, hộ DTTS tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo để người dân yên tâm sản xuất kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững (đến 31/8/2019, dư nợ của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm 55,9% tổng dư nợ và dư nợ tại vùng DTTS và miền núi chiếm 52,6% tổng dư nợ toàn quốc).

Bên cạnh đó, chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với dư nợ đạt 11.038 tỷ đồng, chiếm 5,5% tổng dư nợ với trên 414 nghìn khách hàng còn dư nợ; doanh số cho vay giai đoạn 2016-2019 đạt 6.908 tỷ đồng, với gần 199 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn đi học. Ngoài ra, NHCSXH có các chương trình tín dụng với vùng khó khăn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số…

Từ kết quả trên có thể khẳng định, vốn tín dụng chính sách xã hội tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng DTTS và miền núi; đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo và các đối tượng chính sách khác ngày càng được cải thiện; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được tăng cao; góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2007-2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,75% xuống còn 4,25%; giai đoạn 2016-2018 giảm từ 8,23% xuống còn 5,23% (bình quân 1,0%/năm).

Tại hội nghị, trên cơ sở báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội về kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2016-2020, định hướng hoạt động và giải pháp thực hiện tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới, Lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, các địa phương và các cán bộ tín dụng chính sách tập trung thảo luận nhằm đưa  các giải pháp thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới. Trong đó có tính tới việc áp dụng chính sách đối với từng vùng, khu vực nhằm góp phần thay đổi tư duy về sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập của người nghèo và rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo của đất nước.


Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế

 

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]