QUỐC HỘI VIỆT NAM VỚI NỖ LỰC HIỆN THỰC HÓA CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Cập nhật:31/07/2020 8:51:44 SA
Hội nghị trực tuyến “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững” (AIPA-ECC)
Hội nghị trực tuyến “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững” (AIPA-ECC)
Hội nghị“Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững” (AIPA-ECC) được tổ chức theo sáng kiến của Quốc hội Việt Nam đã tạo ra diễn đàn để các nước thành viên AIPA thảo luận về cơ chế hợp tác liên nghị viện trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa nhằm phát triển bền vững khu vực ASEAN theo những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hiệp quốc.

Lần đầu tiên tổ chức hội nghị chuyên đề về mục tiêu phát triển bền vững trong khuôn khổ AIPA

Ngày nay, phát triển bền vững đã trở thành xu hướng, chiến lược phát triển chung của toàn thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ cũng như vấn đề biến đổi khí hậu đã trở thành thách thức lớn nhất cho toàn nhân loại trong thế kỷ XXI.

Tháng 9/2015, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững bao gồm 17 mục tiêu để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả mọi người. Trên cơ sở 17 mục tiêu phát triển bền vững này, hầu hết các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đều đã xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng quốc gia.

Chương trình nghị sự 2030 cũng xác nhận rõ “vai trò thiết yếu của Nghị viện các quốc gia thông qua việc ban hành luật và thông qua ngân sách cũng như vai trò của họ trong việc đảm bảo trách nhiệm thực hiện cam kết của các quốc gia”. Do đó, trong khuôn khổ hoạt động của AIPA, việc tổ chức một diễn đàn thường xuyên để thảo luận về vai trò của Nghị viện và cơ hội hợp tác giữa các nghị viện thành viên AIPA về mục tiêu phát triển bền vững và hành động để hiện thực hóa các mục tiêu này là hoạt động thiết thực và có ý nghĩa.

Trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á (AIPA) nhiệm kỳ 2019-2020, mục tiêu thúc đẩy đổi mới hoạt động, nâng cao vị thế và vai trò của AIPA trong xây dựng cộng đồng ASEAN phồn vinh, thịnh vượng và phát triển bền vững, Quốc hội Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức Hội nghị“Đối tác nghị viện về hợp tác văn hóa, giáo dục vì sự phát triển bền vững”.

Đây là lần đầu tiên một hội nghị trực tuyến chuyên đề trong khuôn khổ AIPA được tổ chức để xem xét, thảo luận về cơ chế hợp tác liên nghị viện AIPA trong các lĩnh vực giáo dục và văn hóa phục vụ cho phát triển bền vững khu vực ASEAN theo những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hiệp quốc.

Sáng kiến này của Quốc hội Việt Nam không chỉ thể hiện vai trò tích cực, trách nhiệm của Chủ tịch AIPA mà hơn hết là tạo ra sự kết giữa AIPA với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và các nghị viện thành viên AIPA trong việc đánh giá triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) tại các quốc gia thành viên; thúc đẩy sự phát triển của quan hệ đối tác nghị viện trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy chất lượng giáo dục và duy trì bản sắc văn hóa ASEAN.

Văn hóa, giáo dục là mục tiêu cũng là công cụ cho phát triển bền vững

“Xây dựng nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người” là một trong các mục tiêu quan trọng hàng đầu đưa ra trong Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc vì phát triển bền vững toàn cầu đến năm 2030 (SDG 4). Phát triển giáo dục vừa được coi là mục đích cuối cùng nhưng đồng thời là con đường, giải pháp, cơ hội tốt nhất và là chìa khóa, công cụ, phương tiện hiệu quả nhất để giải quyết một cách toàn diện các mục tiêu, mang lại những thay đổi cần thiết nhằm thúc đẩy những giá trị và hành vi cần thiết cho sự phát triển bền vững.

Cùng với đó, văn hóa vốn được coi là nền tảng tinh thần của xã hội nhưng đồng thời cũng có vai trò điều tiết sự vận động của xã hội. Vì thế văn hóa được coi là động lực bên trong và trực tiếp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giúp đem lại sự phát triển kinh tế bao trùm, giúp xóa đói giảm nghèo, tạo ra sự thịnh vượng về mặt kinh tế, và trở thành nền tảng tạo ra sự gắn kết xã hội, đoàn kết giữa các quốc gia, dân tộc, bảo đảm sự phát triển bình đẳng, nhân văn và có bản sắc.

Sự phát triển toàn diện đất nước từ kinh tế đến chính trị và con người muốn ngày càng trở nên bền vững hơn thì đều phải nằm trong quỹ đạo của văn hóa và phải có văn hóa dẫn đường. Và phương tiện hỗ trợ cho sự thăng hoa của văn hóa chính là giáo dục. Bởi vậy, văn hóa và giáo dục có mối liên hệ hữu cơ với nhau trong sự phát triển bền vững của các quốc gia, dân tộc.

 


 

Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiển phát biểu khai mạc tại Hội nghị

Trong nội hàm mục tiêu phát triển bền vững về giáo dục (SDG 4) cũng đã nhấn mạnh đến việc “thúc đẩy phát triển bền vững thông qua giáo dục về sự phát triển bền vững và các lối sống bền vững, về quyền con người, bình đẳng giới, thúc đẩy một nền văn hóa hòa bình và không bạo lực, về công dân toàn cầu và tôn vinh sự đa dạng của văn hóa và sự đóng góp của văn hóa vào việc phát triển bền vững”. Do đó, Hội nghị lần thứ nhất về mục tiêu phát triển bền vững, chủ đề được Quốc hội Việt Nam lựa chọn là hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục nhằm thảo luận, chia sẻ về các giá trị bản sắc văn hóa riêng trên cơ sở trao đổi những giá trị chung phổ quát trong lĩnh vực giáo dục, hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng.

Về giáo dục, nội dung lựa chọn thảo luận là về vai trò của Nghị viện trong việc xây dựng cơ chế pháp lý chung cho việc công nhận chất lượng giáo dục và liên thông trình độ giữa các quốc gia trong khu vực; cơ chế hợp tác trong phát triển giáo dục từ xa, giáo dục trực tuyến trong bối cảnh ứng phó với dịch bệnh Covid-19; việc huy động và phát huy các nguồn lực cho phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.

Về văn hóa, nội dung quan tâm là vai trò của Nghị viện trong việc xây dựng hành lang pháp lý, nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo tồn và kết nối di sản văn hóa trong khu vực ASEAN để phát triển du lịch bền vững; việc huy động và phát huy nguồn lực cho bảo tồn di sản, bảo vệ bản sắc văn hóa.

Trong bối cảnh nhu cầu tăng cường hợp tác giữa các quốc gia khu vực Đông Nam Á nói chung, giữa nghị viện các nước trong khu vực nói riêng hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN phồn vinh, thịnh vượng và thống nhất trong đa dạng, thông qua sáng kiến hội nghị lần này Việt Nam mong muốn thiết lập diễn đàn thường niên về hợp tác liên nghị viện để thảo luận về các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), trước hết là mục tiêu SDG4 trong mối tương quan với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ cho phát triển bền vững của khu vực.

 


 

Các đại biểu tham dự Hội nghị AIPA-ECC tại Hà Nội

Thành công của hội nghị này sẽ là tiền đề để mỗi nghị viện thành viên AIPA giữ vai trò Chủ tịch sẽ chọn một trong 17 mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 thuộc mối quan tâm của quốc gia cũng như các nghị viện thành viên khác để cùng trao đổi, tìm ra các biện pháp nhằm thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả mục tiêu này trong khu vực ASEAN./.

 Bản in]