Trang chủ  Tin tức sự kiện  Thông tin Quốc hội và đại biểu Quốc hội
RÀ SOÁT QUY ĐỊNH CỤ THỂ HƠN NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN BẢO HIỂM VI MÔ
Cập nhật:16/09/2021 10:46:12 SA
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp
Cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 3, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo cần rà soát, quy định cụ thể hơn những vấn đề liên quan đến bảo hiểm vi mô.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, bảo hiểm vi mô được quy định mới bao gồm nội dung về đặc trưng bảo hiểm vi mô và các tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô (Doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô).

Góp ý vào nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu vấn đề, tại phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Chính phủ có trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội một Nghị định không đầu, đó là Nghị định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị xã hội. Kết luận phiên họp, Chính phủ cần phải tổng kết việc thí điểm thực hiện bảo hiểm vi mô của tổ chức chính trị xã hội mà cụ thể ở đây là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và đồng thời có nghiên cứu đề xuất trong quá trình xây dựng dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm này. Tuy nhiên, trong báo cáo tổng kết thì chưa thấy có nội dung này và trong Tờ trình cũng chưa đề cập đến nội dung này. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm về việc thực hiện kết luận này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.

Tán thành với quan điểm này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần phải có Báo cáo tổng kết nhưng nếu 

trường hợp không có Báo cáo tổng kết kịp thì cơ quan soạn thảo cũng phải đánh giá đầy đủ về tính hiệu quả của việc thí điểm thực hiện hoạt động bảo hiểm vi mô.

“Trong giải trình chưa thuyết phục vì đây là nội dung hướng tới các đối tượng có thu nhập thấp. Bây giờ nước ta hộ nghèo dưới 3%, nghèo và cận nghèo trên 6%, nhưng nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất cao, các đối tượng gặp khó khăn hiện nay chúng ta phải quan tâm để hỗ trợ.”- Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đây là vấn đề Chính phủ đã có thí điểm trong thời gian vừa qua, nhất là đối với Hội phụ nữ. Trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cũng đưa vào một số những nguyên tắc về bảo hiểm vi mô để làm cơ sở Chính phủ quy định chi tiết.

Cho rằng đây cũng là vấn đề mới, vấn đề chưa chín, chưa ổn định, nhưng yêu cầu quản lý đòi hỏi cần phải có loại hình bảo hiểm này để hỗ trợ cho đối tượng yếu thế, người nghèo,.. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đồng ý với cách tiếp cận của Chính phủ “quy định về mặt nguyên tắc sau đó Chính phủ sẽ quy định cụ thể”. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, để Chính phủ có cơ sở quy định chi tiết thì đề nghị cơ quan soạn thảo phải rà soát quy định cụ thể hơn những vấn đề liên quan đến bảo hiểm vi mô.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu một số vấn đề cần làm rõ như: tính chất, tư cách pháp lý của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô do các thành viên thành lập; Tổ chức nào được cung cấp bảo hiểm vi mô; Thành lập thêm các tổ chức tương hỗ thì có làm phát sinh biên chế tổ chức bộ máy không;... Đây là vấn đề cũng cần phải bổ sung thêm một số quy định để làm rõ trong quá trình Chính phủ quy định chi tiết để có cơ sở thực hiện và cũng phải tiếp cận hết sức thận trọng vì đây là vấn đề mới.

Khẳng định sự cần thiết phải quy định về bảo hiểm vi mô, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đề nghị phải đánh giá tại sao thời gian vừa qua thực hiện thí điểm lại không hiệu quả như vậy. “ Qua nghiên cứu trên thế giới thì loại hình bảo hiểm này rất là cần, đặc biệt là đối với các nhóm yếu thế mang lại lợi ích rất lớn cho toàn xã hội, nhưng triển khai trên thực tế tại nước ta chưa hiệu quả. Trong Tờ trình báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội đã nêu, nhưng cần phải làm rõ hơn về vấn đề này”- Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, nếu triển khai các loại dịch vụ này thì có tác động rất lớn đến xã hội. Thế nhưng bản thân loại hợp đồng này rất đơn giản. Một giá trị của hợp đồng thì rất nhỏ, nhưng do tác động đến nhiều người trong xã hội, nên nếu triển khai lớn, trên quy mô lớn thì có tác động rất lớn đến xã hội. Theo đó, đòi hỏi các quy định về tổ chức chủ thể loại hình này phải rất chặt chẽ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Giải trình ý kiến góp ý của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, vấn đề về bảo hiểm vi mô trong chiến lược đã có, cũng đã làm thí điểm, như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đưa ra bốn loại sản phẩm. Trong 6 tháng đầu năm 2021, đã thực hiện cho 130.082 người. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, vấn đề này trong tương lai phải thiết kế để đưa vào quy định, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro khi quy mô lớn. Vì vậy, đòi hỏi phải có một cơ quan quản lý hay nói cách khác có một doanh nghiệp chuyên nghiệp quản lý, tránh trường hợp không an toàn sẽ ảnh hưởng đến nhiều người, ảnh hưởng đến xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, vấn đề bảo hiểm vi mô sẽ thiết kế theo hướng là đưa vào các nguyên tắc và đưa vào các quy định cụ thể để thực hiện. Sau khi Luật đợc ban hành, giao cho Chính phủ có Nghị định ban hành để thực hiện vấn đề về bảo hiểm vi mô. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thiện quy định về bảo hiểm vi mô tại Dự thảo Luật.

Trước đó, thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Hồng Thanh cũng nêu rõ, để bảo đảm tính khả thi của Luật, đề nghị Cơ quan soạn thảo tổng kết, đánh giá đầy đủ về tính hiệu quả của việc thí điểm thực hiện hoạt động bảo hiểm vi mô trong thời gian qua; phân tích, đánh giá kỹ tác động kinh tế - xã hội, chi phí, lợi ích của loại bảo hiểm này; bổ sung đầy đủ các quy định về bảo hiểm vi mô; phân tích rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm này so với bảo hiểm thông thường. Đồng thời, đánh giá việc trong 16 năm qua chưa có tổ chức bảo hiểm tương hỗ nào được thành lập theo quy định tại Nghị định số 18/2005/NĐ-CP ngày 24/2/2005 của Chính phủ./

Kết luận nội dung làm việc, đối với quy định về bảo hiểm vi mô, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, một số hình thức bảo hiểm rất cần thiết cho đời sống kinh tế - xã hội như bảo hiểm vi mô, bảo hiểm nông nghiệp để hỗ trợ người nông dân, hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ người có thu nhập thấp, cần tiếp tục tổng kết, đánh giá quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong luật để khuyến khích các hình thức bảo hiểm này phát triển, bên cạnh kênh hỗ trợ của ngân sách nhà nước./.

 Bản in]