Trang chủ  Tin tức sự kiện  Thông tin Quốc hội và đại biểu Quốc hội
Siết chặt trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng
Cập nhật:14/11/2018 2:37:13 CH
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018
Ngày 13/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận tại hội trường về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Nhiều vụ án tham nhũng lớn được xử lý nghiêm minh đúng pháp luật

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, 2018 là năm mà hoạt động phòng, chống tham nhũng gặt hái được nhiều kết quả tích cực nhất từ trước đến giờ. Nhiều vụ án phức tạp, nghiêm trọng, án tham nhũng, kinh tế, chức vụ được phát hiện điều tra, truy tố, xét xử khẩn trương, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc - đánh giá, năm 2018 là năm có nhiều đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng; công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố xét xử được tăng cường, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác. Tình hình tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, đẩy lùi đã góp phần quan trọng giữ vững, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, có nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng được đưa ra xử lý, xét xử nghiêm minh, được xã hội và nhân dân quan tâm, đồng tình ủng hộ.

Theo đại biếu Quốc hội Nguyễn Thái Học – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, năm vừa qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc phòng, chống tham nhũng với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai, dù đương chức hay nghỉ hưu. Làm rõ đến đâu, xử lý đến đó, không cầu toàn, không chờ đợi, sau đó điều tra, xử lý tiếp. Có sự phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ từ thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đại biểu nhấn mạnh, với tinh thần nói đi đôi với làm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế tất yếu. Kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng đã thể hiện tính khách quan, được người dân và bạn bè quốc tế thừa nhận,

Vẫn còn tình trạng tham nhũng vặt

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong năm 2018, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra rằng, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được chú trọng xem xét, giải quyết trong thời gian tới. Các đại biểu cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực và thu được nhiều thành tựu đáng kể nhưng chủ yếu mới chỉ tập trung ở những vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng. Việc ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại và thường tập trung trong các lĩnh vực điển hình như y tế, giáo dục, vi phạm giao thông, hải quan, thuế, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đấu thầu, xây dựng, làm giấy tờ nhà đất, giải quyết các thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa, trong tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức. Tuy vậy, người dân và doanh nghiệp vẫn chưa dám mạnh dạn đấu tranh, phê phán, tố cáo hành vi tiêu cực vì ngại đụng chạm, sợ bị trù dập, bị gây khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình.

 

Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết, ở một số ngành, địa phương, vẫn còn xảy ra hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp phải dùng những khoản chi phí để bôi trơn khi đi làm các thủ tục hành chính. Người dân đi xin cấp phép xây dựng, làm giấy tờ nhà đất phải đi lại nhiều lần, chờ đợi trong thời gian lâu vì các thủ tục rườm rà. Đại biểu cho rằng, việc tham nhũng của một số cán bộ, nhân viên như vậy tại các cơ quan nhà nước nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ gây mất niềm tin của nhân dân.

Siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu

Từ thực tiễn đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải kiên quyết xử lý và siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc. Các đại biểu đề nghị Chính phủ nhanh chóng đề ra các biện pháp quyết liệt để kịp thời ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt để lấy lại niềm tin của nhân dân.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, muốn phòng ngừa tham nhũng thì xây dựng phẩm chất đạo đức con người cán bộ là quan trọng hàng đầu. Theo đại biểu, việc làm luật, sửa luật chỉ góp phần ngăn chặn hành động tham nhũng. Dù ở các nước tiên tiến có lịch sử pháp luật hàng trăm năm pháp luật vẫn có kẽ hở. Do vậy, cần tập trung xây dựng phẩm chất đạo đức con người đi đôi với tăng nặng hình phạt cho hành vi tham nhũng. Đại biểu nhấn mạnh, pháp luật là công bằng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, người biết luật, người thi hành nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng mà vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì tội phải nặng hơn.

Để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giải trình rõ hơn vì sao công tác này không đạt được hiệu quả bằng năm 2017.

Về phương hướng, nhiệm vụ của công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2019, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải lên kế hoạch, biện pháp cụ thể hơn để sớm hoàn thành những nhiệm vụ đã đề ra trong từng năm và cần có cam kết cụ thể, rõ ràng trong từng nhiệm vụ.

Theo http://quochoi.vn

 Bản in]