Trang chủ  Tin video
THỐNG NHẤT CAO DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA
Cập nhật:25/05/2022 9:51:30 SA
UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu nêu ý kiến tại buổi thảo luận tổ.
UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu nêu ý kiến tại buổi thảo luận tổ.
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, chiều 24/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa gồm 11 chính sách.

Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị yêu cầu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Khánh Hòa nhanh và bền vững, để đến năm 2030 "là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo"...

Ở buổi thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu bày tỏ tán thành, thống nhất cao với dự thảo.

Theo ông Lê Trường Lưu, trong cơ chế chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa có 2 điểm đáng chú ý, một là ưu đãi đầu tư cho Khu kinh tế Vân Phong; hai là tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công. “Vấn đề này trong phiên họp Trung ưong chúng tôi cũng thảo luận và thống nhất, muốn đẩy nhanh tiến độ đầu tư công thì tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, hợp phần này triển khai trước. Lần này, Chính phủ trình Quốc hội thí điểm cho tỉnh Khánh Hòa, như vậy phù hợp với định hướng. Theo chúng tôi nếu thí điểm có hiệu quả thì triển khai rộng cho các địa phương khác”, Bí Thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nêu ý kiến.

Về kinh tế biển, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho rằng, ngoài vấn đề kinh tế thì còn có các vấn đề khác liên quan đến quốc phòng an ninh, dân quân biển. Ông Lê Trường Lưu đánh giá cao về hiệu quả kinh tế biển tại Khánh Hòa, đồng thời cho rằng, nguồn lực kinh tế biển của Khánh Hòa rất mạnh, có lực lượng ngư dân lớn của miền Trung và cả nước. “Chúng tôi tán thành với cơ chế về kinh tế biển cho Khánh Hòa. Bên cạnh đó, tôi cũng tán thành việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa. Theo xu hướng chung, cần phân cấp thẩm quyền cho các chính quyền địa phương, điều này đảm bảo tính linh động, chính quyền địa phương quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình”, ông Lưu nói tại buổi thảo luận tổ.

Ông Lê Hoài Trung thống nhất cao với dự thảo. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Đóng góp ý kiến tại buổi thảo luận tổ, ông Lê Hoài Trung, UVTW Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, hiện nay, tỉnh Khánh Hòa có tiềm năng lớn. Trong đó, đáng chú ý là 3 loại đường giao thông phát triển mạnh gồm đường biển, đường bộ và đường hàng không. Theo ông Trung, thế mạnh này mang tầm khu vực chứ không chỉ khu biệt ở Việt Nam.

“Cảng biển tại Khánh Hòa mang tầm quốc tế kể cả quân cảng và dân cảng đường bộ gồm đường sắt và Quốc lộ đi qua, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Tiềm năng lớn nên đã tạo cú hích cho Khánh Hòa trong phát triển kinh tế xã hội.  Tôi nhất trí về cơ chế đặc thù cho kinh tế biển của Khánh Hòa, kinh nghiệm cho thấy khi có điều thuận lợi thì càng tạo điều kiện để địa phương phát triển; đối với những địa phương khó khăn thì chúng ta cần có những hình thức hỗ trợ. Tôi cho rằng sau khi thông qua cơ chế đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa cũng cần có những định hướng nhất định”, ông Trung nhìn nhận.

Theo https://baothuathienhue.vn
 Bản in]