Bổ sung biên chế, có chế độ thỏa đáng cho cán bộ cơ quan tiến hành tố tụng
Sáng 24/10, ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Thanh Hải (Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh) có bài phát biểu tham luận trực tuyến tại phiên họp toàn thể của Quôc hội về các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) và Chánh án Tòa ánh nhân dân tối cao (TANDTC); Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Qua nghe Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC về công tác của ngành Kiểm sát, Báo cáo của Chánh án TANDTC về công tác của các Toà án, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng các báo cáo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng, phản ánh đầy đủ, toàn diện kết quả các mặt công tác, đồng thời tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đối với các báo cáo trên.

Theo đại biểu, năm 2021, mặc dù có những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ theo chức năng do tình hình dịch bệnh COVID-19, trong khi tình hình tội phạm diễn biến phức tạp; số lượng các loại vụ án, vụ việc phải thụ lý đa số đều tăng, năm sau tăng hơn năm trước; mặc dầu có một số vụ việc giảm nhưng dự báo trong thời gian tới sẽ tăng cao. Nhưng các ngành đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và chủ động, kịp thời đề ra những biện pháp công tác phù hợp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy vẫn còn tồn tại, hạn chế. Đó là tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và tỷ lệ giải quyết một số vụ án chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao; một số vụ án, vụ việc thời gian giải quyết còn dài; án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn nhiều; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao; kết quả thi hành án dân sự đạt thấp; tồn đọng trong thi hành án hành chính có xu hướng gia tăng.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải đó là nhiệm vụ được giao tăng thêm theo quy định của pháp luật; Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm pháp đối diện áp lực lớn đối với những quy định ngày càng chặt, đòi hỏi ngày càng cao về trách nhiệm chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, chế độ phụ cấp đối với Điều tra viên còn hạn chế; thực hiện chính sách tinh giảm biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ-TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị làm cho các ngành không đủ biên chế và chức danh tư pháp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng cao trong giai đoạn hiện nay. “Theo báo cáo thì các ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án còn thiếu biên chế nhất là đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán” - đại biểu viện dẫn.

Để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ được giao, khắc phục những tồn tại, hạn chế, theo đại biểu cần tiếp tục thực hiện đúng theo chủ trương của Nghị quyết số 161 của Quốc hội khóa 14 về “Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án nhân dân, VKSND; xây dựng đội ngũ cán bộ ngành TAND, VKSND trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, đủ năng lực, bản lĩnh, bảo đảm số lượng biên chế để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ...”.

Đồng thời, tiếp tục triển khai nghiêm túc Chị thị số 04 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo hướng “Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án dân sự, bảo đảm đủ số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ.. ”.

Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét tăng hoặc bổ sung biên chế ít nhất cũng phải bằng số lượng biên chế trước năm 2015 (khi chưa thực hiện chính sách tinh giảm biên chế) cho ngành Tòa án, Kiểm sát và có chế độ thỏa đáng cho Điều tra viên trong lực Công an nhân dân. Đồng thời, xem xét phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng giao dự toán chi thường xuyên căn cứ vào hoạt động thực tiễn gắn với hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ đặc thù của mỗi cơ quan tư pháp.   

Ngoài ra, việc thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và lộ trình thực hiện theo Thông tư liên tịch hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử là chậm nhất đến ngày 010/1/2020 thì thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Theo đại biểu, hiện nay việc thực hiện quy định này gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, biên chế. Đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung các điều kiện bảo đảm cho các cơ quan tố tụng để triển khai kịp thời, hiệu quả yêu cầu này của Bộ luật Tố tụng hình sự.

 

 Bản in]
Các bài khác