VAI TRÒ CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH Ở ĐỊA PHƯƠNG
Từ ý tưởng viết về chuỗi việc trong thế giới của Quốc hội (QH), Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), có lẽ với tôi - qua gần 5 tháng nhận nhiệm vụ - thuận lợi hơn hết, cũng là khởi nguồn cảm hứng tri nhận là về vai trò của ĐBQH chuyên trách ở địa phương.

 

        Là ĐBQH, bất kì ai trong diện đều phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và tuân thủ tổ chức, hoạt động theo Hiến định, luật định. Đỉnh của hoạt động lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội mà ĐBQH là hạt nhân căn cốt, không gì khác chính là Chính sách và Cuộc sống quốc gia.

         Vị trí, vai trò của ĐBQH được quy định rõ: (1) ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. (2) ĐBQH chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. (3) ĐBQH bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội (Điều 21, Luật Tổ chức Quốc hội).

          ĐBQH chuyên trách ở địa phương có vai trò gì?

          Khi đảm nhận vai trò chuyên trách tại các cơ quan Quốc hội, đồng thời với thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH là thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan của QH mà mình là thành viên theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Hội đồng Dân tộc (HĐDT), các Ủy ban của QH. Tương tự, ĐBQH chuyên trách ở địa phương (được hiểu là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH, đồng thời thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn sau: Tham gia Đoàn công tác, Đoàn giám sát của UBTVQH, HĐDT hoặc Ủy ban của QH; Được mời dự các hội nghị, lớp học, tập huấn theo chức danh lãnh đạo địa phương; Được mời dự các cuộc họp thường kì của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND), Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (BTT UBMTTQ) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cuộc tiếp công dân định kì của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong mối quan hệ trách nhiệm với Đoàn ĐBQH và Trưởng Đoàn, ĐBQH chuyên trách - Phó Trưởng đoàn - giúp Trưởng đoàn thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn; khi Trưởng đoàn vắng mặt thì Phó Trưởng đoàn được Trưởng đoàn ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ của Trưởng đoàn (gồm: (1) Điều hành việc thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ của Đoàn ĐBQH (1.Phối hợp với BTT UBMTTQ, TTHĐND, UBND ở địa phương tổ chức để ĐBQH tiếp xúc cử tri. 2.Tổ chức tiếp công dân của ĐBQH; tiếp nhận, chuyển đơn, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết KNTC và kiến nghị của công dân mà ĐBQH, Đoàn ĐBQH đã chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết; mời đại diện HĐND, UBND ở địa phương tham dự các buổi tiếp công dân của ĐBQH; trong trường hợp cần thiết thì mời đại diện cơ quan hữu quan ở địa phương cùng tham dự để tiếp thu, xử lý những vấn đề liên quan. 3.Phối hợp với TTHĐND, BTTUBMTTQ ở địa phương tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác theo yêu cầu của UBTVQH. 4.Tổ chức để ĐBQH thảo luận về dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác, dự kiến chương trình kỳ họp QH. 5.Tổ chức để ĐBQH giám sát việc thi hành pháp luật, đấu tranh chống tham nhũng; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của địa phương; khảo sát tình hình thực tế ở địa phương; góp ý với địa phương về việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; khi cần thiết, kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. 6.Phân công ĐBQH trong Đoàn tham gia Đoàn công tác, Đoàn giám sát của UBTVQH, HĐDT, các Ủy ban của QH. 7.Tham gia ý kiến về việc giới thiệu ĐBQH trong Đoàn ứng cử ĐBQH khóa sau; phân công ĐBQH trong Đoàn tham gia Đoàn giám sát về việc bầu cử ĐBQH khóa sau, bầu cử bổ sung ĐBQH ở địa phương. 8.Mỗi năm hai lần, vào giữa năm và cuối năm, báo cáo với UBTVQH về tình hình hoạt động của Đoàn ĐBQH, đồng thời, thông báo với UBMTTQ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương). (2) Chủ trì việc tổ chức để ĐBQH trong Đoàn thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH và tham gia thực hiện nhiệm vụ của Đoàn ĐBQH. (3) Chủ trì việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của Đoàn. (4) Triệu tập và chủ tọa các cuộc họp của Đoàn ĐBQH. (5) Giữ mối liên hệ với Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH, HĐDT, các Ủy ban của QH, Văn phòng QH và các cơ quan, tổ chức hữu quan ở trung ương. (5) Giữ mối liên hệ với ĐBQH trong Đoàn, TTHĐND, UBND, BTT UBMTTQ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan ở địa phương. (6) Chỉ đạo công tác Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; chỉ đạo và tổ chức việc thực hiện kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH. Những nội dung trên đã được quy định tại điều 20, 21, 24, 26, Nghị quyết số 08/2002/QH11, ngày 16/12/2002 của Quốc hội về ban hành Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH.

Gút lại, song hành với vai trò đại diện, trách nhiệm, bình đẳng của ĐBQH, ĐBQH chuyên trách ở địa phương còn có vai trò: tham mưu, quản lý, kết nốiTham mưu cho Trưởng Đoàn mọi công việc được ủy nhiệm một cách kịp thời, trung thực, thấu đáo; đồng thời, nhanh nhạy, cầu thị trong tham mưu cho Tổng Thư ký Quốc Hội, các trưởng của UB, HĐDTcủa QH mọi công việc theo quyền hạn của Đoàn ĐBQH. Quản lý, điều hành công việc hàng ngày của Đoàn ĐBQH theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định một cách linh hoạt, quán xuyến, chu toàn từ phương diện hành chính, quản trị, hội nghị, hội họp, giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo đến phương diện giáo dục, động viên, tạo động lực thực thi công vụ đối với đội ngũ cán bộ, chuyên viên để không chỉ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà còn tạo sự đồng thuận và phát triển hơn nữa nhân tố con người. Kết nối với các tổ chức, cá nhân ở địa phương theo quy định, quy chế một cách chặt chẽ, hài hòa; với Đoàn ĐBQH các địa phương trong cả nước một cách cởi mở, cầu tiến; với các tổ chức truyền thông đại chúng một cách nghiêm túc, linh hoạt, rõ ràng,… nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện tỉnh Thừa Thiên Huế trên nền tảng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của quốc gia góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.    

Phát huy vai trò ĐBQH chuyên trách ở địa phương như thế nào?

Chỉ ra được vai trò của ĐBQH chuyên trách một cách tổng thể mà rạch ròi đã là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là thực hiện vai trò ấy như thế nào cho có hiệu quả. Một nhẽ khác, nói thì dễ nhưng làm không dễ bởi sự tương quan giữa nói và làm, lý thuyết và thực hành, lý luận và thực tiễn,…không hẳn 1 – 1, không phải là cái bóng của cái hình, cái dáng của cái thể,…Biết vậy, dẫu vậy, vẫn phải tường minh nhận thức của mình để còn có cơ hội bồi đắp thêm từ đồng nghiệp, đồng sự và từ thực tiễn vốn sinh động này.

Theo tôi, có ba phương cách để phát huy vai trò ĐBQH chuyên trách ở địa phương. Đó là, một, chủ động trang bị kiến thức cơ bản về chủ thể và hoạt động của ĐBQH nói chung ĐBQH chuyên trách nói riêng. Kiến thức ấy có từ hiến pháp, pháp luật, quy định, quy chế; từ quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo trung ương và địa phương; từ truyền thông đài báo; từ hội nghị, hội thảo, diễn đàn liên quan… Sự cập nhật kiến thức cần thường xuyên, liên tục để thâu nạp tính mới từ cuộc sống và trở lại dẫn dắt cuộc sống. Hai, là đại biểu dân cử nên dựa vào nhân dân để thực hiện và mới hoàn thành mọi nhiệm vụ. Nhân dân chính là cuộc sống mà QH, ĐBQH dựa vào đó để dựng nên chính sách, pháp luật. Với ĐBQH chuyên trách ở địa phương, việc gần gũi, sâu sát với nhân dân, với cử tri phải là thường trực không chỉ thông qua các cuộc tiếp xúc cư tri, tiếp công dân, khảo sát, giám sát mang tính chất định kì mà còn qua đối thoại trên cơ sở đơn thư, khiếu nại tố cáo gửi đến, qua các sự kiện, ngày hội của làng, xã,… để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói của dân. Trên cơ sở đó, ĐBQH giải thích, làm rõ những vấn đề thuộc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành; đồng thời, tiếp thu, tổng hợp những vấn đề chính đáng, hợp pháp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết gắn với thời hạn cụ thể và được giám sát việc giải quyết để báo cáo kết quả với nhân dân, cử tri. Ba, giao việc và giám sát việc đối với đội ngũ làm công tác Quốc hội tại địa phương. Thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, số lượng cán bộ, chuyên viên đảm trách công tác QH ở dưới ngưỡng 2 con số (5-9) nhưng khối lượng công việc vẫn như trước khi sáp nhập, thậm chí phát sinh nhiều nhiệm vụ mới từ tác động của đại dịch Covid-19 và những lý do bất khả kháng khác. Chính vì vậy, mỗi người trong đội ngũ tự giác và nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao với công suất cao hơn. Không ai khác, ĐBQH chuyên trách phải là người tiên phong chia sẻ, động viên, tin tưởng giao các phần việc phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ, chuyên viên (nhưng thật khó tìm thấy trường hợp vừa phù hợp với vị trí việc làm vừa với năng lực, sở trường); giao việc cũng phải có tính khoa học, kế hoạch hóa, số hóa, công nghệ hóa thì công việc mới trôi chảy và không chậm tiến độ, không bỏ sót. Và, một yếu tố đo lường chất lượng công việc từ đội ngũ tham mưu và phục vụ là vai trò giám sát gắn với đánh giá tiến độ và cải tiến quy trình của lãnh đạo.

Sự đồng bộ và đồng điệu trong các mối tương tác trên cấp, đồng cấp, dưới cấp, giữa đại biểu dân cử và nhân dân, giữa chính sách và cuộc sống ở phạm vi địa phương sẽ tạo điểm tựa to lớn cho việc phát huy vai trò của ĐBQH chuyên trách địa phương!

Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên tráchTỉnh Thừa Thiên Huế

 Bản in]
Các bài khác