BỔ SUNG CƠ CHẾ ĐẶC THÙ ĐỂ BẢO VỆ NGƯỜI LAO ĐỘNG
Update5/31/2024 8:54:25 AM
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu tán thành cao với phần lớn sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật lần này.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Đóng góp vào ý kiến dự luật, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu thống nhất với việc xác định đối rõ tượng tại điểm m khoản 1, Điều 3 là “Chủ hộ kinh doanh của hộ  kinh doanh có đăng ký kinh doanh”. Thế nhưng, theo bà Sửu, đối tượng chủ hộ kinh doanh khá phức tạp trong việc xác định, tổ chức thực hiện đăng ký tham gia, thu, đóng (tạm dừng, đóng tiếp, truy đóng BHXH …), quản lý đối tượng tham gia trong khi dự thảo có quy định xác định đối tượng liên quan đến phát sinh nghĩavụ nộp thuế là “trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ nộp thuế” để cấp sổ BHXH tại khoản 2 Điều 27. Do đó, bà Sửu đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ hướng dẫn đối với đối tượng này vào Điều 27 của dự luật.

Về bổ sung quy định cơ chế đặc thù bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động tại Điều 41, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị bỏ cụm từ "do cưỡng chế về quản lý thuế" ở khoản 1 vì còn có cơ quan khác, như cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với người sử dụng lao động vi phạm pháp luật; bỏ đối tượng doanh nghiệp“đang làm thủ tục giải thể” do căn cứ khoản 2, Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài…".

Ở khoản 5, bà Sửu cũng cho rằng, cần đánh giá cụ thể nguồn lực, đánh giá tác động để đảm bảo khả thi khi thực hiện quy định “Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người lao động quy định tại khoản này đóng cho thời gian bị chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội” đối với “Trường hợp người cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng đã đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH và không tự đóng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều này”.

Liên quan đến vấn đề hưởng BHXH một lần quy định ở điểm đ, khoản 1, Điều 74 và điểm đ, khoản 1, Điều 107, về lâu dài, bà Sửu cho rằng cần có định hướng truyền thông tham gia BHXH để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già. Việc khuyến khích tham gia và không hưởng BHXH một lần còn phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lao động - việc làm. Đồng thời cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi với người lao động mất việc làm, bệnh tật... để vượt qua khó khăn trước mắt.

“Tôi cũng đề nghị giao Chính phủ hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc xác định về thời hạn 12 tháng không tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng BHXH một lần trong trường hợp cơ quan  BHXH đã ban hành quyết định hưởng, sau đó người lao động mới giao kết hợp đồng lao động và đóng BHXH cả tháng đó”, bà Sửu nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng  tham gia góp ý thêm các nội dung về tạm dừng, chấm dứt, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng tại Điều 78; về bảo hiểm hưu trí bổ sung (chương VIIa, Đ128a, b,c,d); trách nhiệm của Chính phủ tại Điều 136…

Trước đó, sáng cùng ngày Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cũng đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

 Print]