Trang chủ  Tin tức sự kiện  Thông tin Quốc hội và đại biểu Quốc hội
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN TÔ LÂM GIẢI TRÌNH MỘT SỐ VẤN ĐỀ UBTVQH QUAN TÂM LIÊN QUAN ĐẾN DỰ ÁN LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ
Cập nhật:14/09/2020 8:50:56 SA
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Sáng 11/9, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại phiên họp thứ 48, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo làm rõ một số vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm.

Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 48 có 5 chương và 35 điều. Mục tiêu lớn nhất của dự án Luật là tạo cơ chế pháp lý đầu đủ trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên cơ sở thống nhất các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

Cho ý kiến đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để ban hành luật; về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức; về công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm của địa phương, bộ, ngành đối với lực lượng này; về chương trình, tiến độ xây dựng luật.

Báo cáo làm rõ các vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết thực tế các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách vẫn đang tồn tại và nếu không có quy định để thực hiện thì sẽ rất khó khăn ở cơ sở. Bộ trưởng Bộ Công an chia sẻ trong quá trình xây dựng luật này, những vấn đề từ tuyển chọn, chế độ chính sách, phạm vi hoạt động…Ban soạn thảo đã cơ bản bám sát các Luật được Quốc hội thông qua gần đây để bảo đảm sự tương thích, trong đó có Luật Dân quân tự vệ.

Lý giải về việc dự thảo Luật điều chỉnh đối với 3 lực lượng gồm bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, đây là một dự án luật mới điều chỉnh các đối tượng, các lực lượng đã được thành lập trên phạm vi toàn quốc, có lịch sử ra đời từ rất lâu và hiện nay đang được điều chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật và trên thực tế hiện nay đang tồn tại. Cụ thể: Lực lượng công an xã không chính quy được thành lập ngay từ khi Cách mạng tháng 8 thành công, như vậy cho đến nay cũng đã được 75 năm thực hiện, đồng hành cùng với chính quyền. Hai là lực lượng bảo vệ dân phố thành lập sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tập trung ở miền Bắc là tập trung vào lực lượng bảo vệ dân phố và hoạt động cũng rất tốt, rất có hiệu quả. Ba là, lực lượng dân phòng được thành lập từ những năm 1960. Các lực lượng này có mối quan hệ chặt chẽ về cơ cấu, tổ chức bộ máy và đều do Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập, được Nhà nước bảo đảm về kinh phí hoạt động và trên thực tế đang phát huy được vai trò tích cực trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở; đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá và có đủ cơ sở để quy định trong luật này.

Đối với một số lực lượng quần chúng tự quản khác được thành lập, tổ chức hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau, mang tính đơn lẻ, đặc thù ở các địa phương không mang tính bao trùm, phổ biến trong toàn quốc. Điều này cần phải tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá thận trọng, toàn diện cả về lý luận, thực tiễn pháp luật để có cơ sở quy định chung trong luật. Việc ban hành luật này điều chỉnh những vấn đề mang tính bao trùm, có hiệu lực trong phạm vi cả nước. Trong khi đó, các lực lượng quần chúng tự quản được thành lập đơn lẻ với nhiều hình thức khác nhau và mang nhiều tính đặc thù, có hiệu lực trong phạm vi của từng địa phương. Nếu ban hành một văn bản pháp luật để điều chỉnh là chưa phù hợp. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công an kiến nghị luật này chưa điều chỉnh đối với các đối tượng quần chúng tự quản khác (như Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm hay Hiệp sĩ đường phố, tổ tự quản an ninh, trật tự, tổ công nhân tự quản…) mà tiếp tục phải đánh giá, trong khi bổ sung hoàn thiện luật này sẽ được tiếp tục bổ sung sau.

 


 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo làm rõ một số vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm

Về phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ trị an ở cơ sở, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự được quy định rất rộng, nhiều lực lượng tham gia, được phân công, phân cấp rất cụ thể đối với từng lực lượng. Như vậy là lực lượng nào cũng phải tham gia nhưng ở một mức độ phân công và phân cấp khác nhau. Mối quan hệ giữa bố trí công an xã chính quy với lực lượng tham gia bảo vệ trị an ở cơ sở thì hiện nay Bộ đã trình với Chính phủ để xây dựng một Nghị định ban hành về quy định của lực lượng Công an xã chính quy, phạm vi hoạt động như thế nào để tham gia lực lượng trị an ở cơ sở đối với các lực lượng công an không chuyên trách.

Về kinh phí, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết dự thảo Luật đã bám sát các quy định về chế độ của dân quân tự vệ. Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, nếu theo quy định phải tổ chức các lực lượng thì tổng số các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách là khoảng gần 2 triệu người. Trung bình mỗi người được hưởng mức hỗ trợ khoảng 300.000 đồng/người/tháng, theo đó ngân sách nhà nước phải bảo đảm chi khoảng 600 tỷ/tháng để chi trả. Trung bình một tỉnh phải bảo đảm chi phí khoảng 10 tỉ đồng để chi trả 1 tháng đối với lực lượng, đây là đúng quy định của pháp luật. Dự thảo luật này quy định về hỗ trợ hàng tháng cho lực lượng bảo vệ trật tự cơ sở, bỏ quy định chi trả phụ cấp hiện nay như đang thực hiện đối với dân phố và công an xã bán chuyên trách. Theo đó nếu nhập 3 lực lượng lại thành 1 lực lượng và tính trung bình 1 thôn có 1 tổ an ninh, trật tự từ 5 đến 10 người ở toàn quốc cũng có khoảng 180.799 thôn thì tổng số người tham gia hoạt động lực lượng bảo vệ trị an cơ sở khoảng độ 1,5 triệu người. Theo quy định của dự thảo luật thì hàng tháng toàn quốc sẽ cắt giảm được khoảng 150 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để chi trả cho hỗ trợ hoạt động của các lực lượng tham gia trị an ở cơ sở. Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh đây là những con số khái quát nhất, hơn nữa do ngân sách của cấp tỉnh quyết định theo quy định chung trong khuôn khổ, phạm vi, định mức.

Về việc phải huy động sự tham gia của lực lượng khoa học kỹ thuật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, qua trao đổi và khảo sát với nhiều nước trên thế giới cho thấy phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và huy động sức mạnh của nhân dân để tham gia bảo đảm an ninh, trật tự là một “đặc sản” của Việt Nam. Thực tế là biện pháp quần chúng là biện pháp quan trọng nhất trong tất cả các biện pháp của công tác công an. Thậm chí mô hình cảnh sát khu vực được thực hiện rất tốt ở Nhật là được học tập từ Việt Nam. Trong quá trình hoạt động của các lực lượng này, Bộ Công an áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật theo yêu cầu và theo các quy định của pháp luật rất chặt chẽ, trong đó có biện pháp khoa học kỹ thuật đặc trưng chuyên ngành rất sâu và được quản lý, bảo đảm quyền tự do dân chủ của người dân.

Liên quan đến sự tham gia của các lực lượng khác vào công tác bảo đảm an ninh, trật tự, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh các quy định của Luật này không hề giảm sự tham gia của quần chúng nhân dân đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Đây cũng là một lực lượng nòng cốt, tự nguyện, tự giác tham gia. Các lực lượng trong khối Mặt trận chịu sự giám sát của các tổ chức Mặt trận, sự tham gia của các tổ chức quần chúng như thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh thì đều được phát huy và được tham gia.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công an cũng tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý về tiêu chuẩn tuyển chọn; đồng thời đối chiếu với những quy định theo như Luật Dân quân tự vệ, Luật Quốc phòng… để bảo đảm tính thống nhất. Bộ trưởng Bộ Công an cho biết thêm trong quá trình xây dựng Luật cũng đã rà soát với những Luật có liên quan như Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 sửa đổi năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2013, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Công an nhân dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Qua rà soát cho thấy khi luật này được ban hành sẽ đề xuất sửa đổi 8 nghị định, 4 thông tư và một số các văn bản pháp luật khác do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành về tổ chức nhiệm vụ có liên quan; đồng thời 1 pháp lệnh, 2 nghị định và 1 thông tư liên tịch và 1 thông tư chung sẽ hết hiệu lực./.

Nguồn: quochoi.vn

 Bản in]