Trang chủ  Tin tức sự kiện  Thông tin Quốc hội và đại biểu Quốc hội
Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)
Cập nhật:09/11/2018 2:04:04 CH
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra
Sáng ngày 08/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Thay mặt Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS)  trình bày ý kiến thẩm tra về dự án Luật này trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải cho biết, trên cơ sở Tờ trình số 358/TTr-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), ngày 20/9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Tiếp đó, ngày 11/10/2018, Ủy ban TCNS đã họp phiên toàn thể để thẩm tra chính thức về dự án Luật trên và có Báo cáo thẩm tra số 1267/BC-UBTCNS14 ngày 18/10/2018 gửi các vị đại biểu Quốc hội. Ủy ban TCNS nhận thấy, hồ sơ dự án Luật của Chính phủ trình đã đảm bảo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thống nhất với tên gọi của Luật là Luật quản lý thuế (sửa đổi), vì phạm vi sửa đổi lần này khá rộng, bổ sung nhiều nội dung mới phức tạp, quan trọng. Tuy nhiên, để có cơ sở thẩm tra, đánh giá và để các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có căn cứ, xem xét cho ý kiến đối với từng nội dung, đề nghị Chính phủ cần thuyết minh rõ hơn về cơ sở, nguyên nhân và lý do cần bổ sung các quy định mới và bỏ những quy định không còn phù hợp trong Luật hiện hành.

Ủy ban TCNS nhận thấy, so với Luật hiện hành thì dự thảo Luật sửa đổi còn nhiều quy định chưa cụ thể. Luật hiện hành có 20 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, dự thảo lần này có khoảng ¼ số điều của Luật (36/152 điều) và 13 khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, trong khi đó có khoảng 15 Điều trong Luật hiện hành không giao Chính phủ quy định chi tiết nay lại được bổ sung giao Chính phủ quy định chi tiết, trong khi Tờ trình của Chính phủ không giải thích lý do. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ lý do cụ thể.

Về nguyên tắc quản lý thuế, Ủy ban TCNS đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung việc áp dụng nguyên tắc “giao dịch độc lập” trong quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết nộp thuế tương xứng với giá trị tạo ra tại Việt Nam. Đồng thời, đề nghị bổ sung vào Điều 49 và Điều 50 theo nguyên tắc quản lý thuế căn cứ vào bản chất và nguyên tắc giao dịch độc lập.

Đối với những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế, Ủy ban TCNS đề nghị cần bố cục, sắp xếp theo từng nhóm đối tượng: cán bộ quản lý thuế, người nộp thuế. Ngoài ra, dự thảo Luật chưa quy định hành vi bị cấm đối với cơ quan, tổ chức liên quan, do đó cần nghiên cứu, bổ sung nội dung này trong dự thảo Luật.

Đối với nội dung về lực lượng quản lý thuế, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cán bộ công chức quản lý thuế cũng là cán bộ công chức, viên chức nên các vấn đề về phẩm chất đạo đức, tiêu chuẩn cán bộ… đã được quy định tại Luật Cán bộ công chức, vì vậy, không cần thiết phải có quy định riêng tại Điều 10 của Luật này. Ngoài ra, Ủy ban TCNS cũng đề nghị bổ sung những nội dung quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý thuế về chống chuyển giá, gửi giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng, truy thu thuế, cưỡng chế về thuế; bổ sung quy định quyền của người nộp thuế được nhận biên bản của cơ quan Kiểm toán nhà nước, cơ quan Thanh tra và các cơ quan có thẩm quyền khi kiểm tra, đối chiếu nghĩa vụ thuế của người nộp thuế khi thanh tra, kiểm toán công tác quản lý thu NSNN của cơ quan quản lý thuế.

Liên quan đến thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm đối với công ty có giao dịch liên kết, Ủy ban TCNS cho rằng, việc quy định nộp Tờ khai giao dịch liên kết cùng với báo cáo quyết toán thuế năm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính là chưa phù hợp với thực tế và không khả thi. Do vậy, đề nghị cần bổ sung trong dự thảo Luật theo hướng “căn cứ vào thời hiệu báo cáo của Công ty giao dịch liên kết”. Ủy ban TCNS cũng đề nghị quy định theo hướng, trong vòng 10-15 ngày thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi khai sai nhưng phải nộp bổ sung 10% trên số tiền thuế khai thiếu, trường hợp sau 10-15 ngày thì phải nộp số bổ sung 20% trên số tiền thuế khai thiếu như cơ quan quản lý thuế phát hiện ra.

Đối với các trường hợp được khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị không tiến hành khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với các trường hợp nêu tại: khoản 2: “Người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể, …”; khoản 4: “Người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh…”; khoản 5: “Người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh…”.

Về quy định đại lý thuế được phép cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cơ bản đồng tình với dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị cần bổ sung quy định bắt buộc cán bộ của Tổ chức kinh doanh đại lý thuế phải có chứng nhận đủ trình độ nghiệp vụ về kế toán do Bộ Tài chính cấp. Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính cần sớm ban hành và triển khai thực hiện chế độ kế toán đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Chính phủ sẽ nghiên cứu, bổ sung nội dung này khi trình Quốc hội sửa đổi Luật Kế toán để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Một số ý kiến đồng ý cho phép Tổ chức kinh doanh dịch vụ đại lý thuế được phép cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ, song phải đảm bảo đủ tiêu chí về hành nghề kế toán được quy định tại Điều 59 và Điều 60 của Luật Kế toán.

Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với quy định về hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/01/2020, riêng về thời điểm hiệu lực thực hiện hóa đơn điện tử từ ngày 01/7/2020. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ rà soát để bổ sung các quy định cần chuyển tiếp trong dự thảo Luật, tránh các vướng mắc khi Luật này có hiệu lực thi hành.

Theo http://quochoi.vn

 Bản in]