Trang chủ  Tin tức sự kiện  Thông tin Quốc hội và đại biểu Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra các giải pháp phân luồn học sinh hiệu quả
Cập nhật:07/06/2018 9:24:57 SA
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời các chất vấn của ĐBQH
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời các chất vấn của ĐBQH
Tiếp tục Phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 06/6 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra các giải pháp để thực hiện phân luồng cho học sinh một cách hiệu quả.

Giải pháp để phân luồng học sinh thực sự hiệu quả

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Thái Bình, đặt ra câu hỏi, Bộ trưởng sẽ chỉ đạo như thế nào khi triển khai đổi mới giáo dục phổ thông những năm tới đây để phân luồng thực sự hiệu quả; sự phối hợp giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong lĩnh vực phân luồng giáo dục nghề nghiệp được thực hiện ra sao?

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, phân luồng học sinh không phải vấn đề mới. Trung ương đã chỉ đạo và Chính phủ cũng đã có những đề án rất cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên trong thời gian qua, kết quả phân luồng cũng chưa được tốt. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng Bộ trưởng tập trung vào nguyên nhân từ ngành giáo dục. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trước hết là do trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa định hướng rõ được giáo dục hướng nghiệp và phân luồng dẫn đến học sinh tập trung vào học kiến thức, nhẹ phần năng lực thực tế, thực hành, ít gắn với bên ngoài, đây cũng là trách nhiệm của ngành. Nguyên nhân này cũng đã được Trung ương, Nghị quyết 29-NQ/TW  chỉ đạo và Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội đã nêu phải tiếp tục thực hiện một cách thiết thực và hiệu quả về phân luồng.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết thêm, trong tháng 5 Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 80/2017/NĐ-CP về giáo dục phân luồng và định hướng phân luồng cho học sinh giai đoạn 2018 - 2025, trong đó nêu rất rõ các giải pháp. Có một nhóm giải pháp thuộc trách nhiệm của ngành giáo dục đó là trước hết ngay trong các chương trình phổ thông phải có giáo dục hướng nghiệp, có nội dung được lồng ghép với giáo dục về thực tiễn gắn giữa các nội dung kiến thức với thực tiễn và xây dựng được một đội ngũ tư vấn về hướng nghiệp để khắc phục được tình trạng này.

Chấm dứt việc nợ chuẩn giáo dục để đạt chỉ tiêu nông thôn mới

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương- Ninh Thuận đưa ra nhận định, các địa phương xảy ra tình trạng cứ công nhận chuẩn giáo dục rồi cho nợ tiêu chuẩn. Bộ có biết việc này không và đã xử lý trường hợp nào chưa, bao giờ thì có thể chấm dứt được tình trạng này? Một nội dung nữa mà đại biểu có đề cập trong phần chất vấn: hiện tượng không hiếm trong nhiều năm nay đó là để nhằm mục đích thi tốt nghiệp phổ thông và đại học, có rất nhiều học sinh bỏ không học các môn không thi mà chỉ học những môn thi, nhưng để đủ điều kiện để được thi thì phụ huynh đến gặp thầy cô để “nộp” tiền. Đại biểu đặt ra câu hỏi theo Bộ trưởng làm thế nào để loại bỏ hiện tượng tiêu cực này?

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng ý kiến phản ánh của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương về nợ chuẩn giáo dục là hoàn toàn đúng. Trong 19 chỉ tiêu về nông thôn mới thì có 2 tiêu chí về giáo dục, trong đó một tiêu chí về cơ sở vật chất. Một số địa phương muốn được nông thôn mới, xin được nợ chuẩn về giáo dục và đề nghị các đồng chí lãnh đạo địa phương phân cấp không được công nhận cho nợ. Về vấn đề này, một số địa phương nói rằng đã có kế hoạch sớm khắc phục. Tuy nhiên, với tư cách người đứng đầu ngành, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định chuẩn chất lượng giáo dục phải đảm bảo chứ không được nợ chuẩn. Tới đây Bộ tiếp tục làm mạnh hơn và tích hợp hai Thông tư về kiểm định chất lượng trong phổ thông và chuẩn quốc gia thành một để tiện theo dõi, giám sát. Như vậy sẽ không có việc nợ chuẩn giáo dục để đạt chỉ tiêu nông thôn mới.

Cũng trong phần trả lời của mình với đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận định vấn đề một số học sinh bỏ, không học các môn không thi là có thật. Tuy rằng thống kê chưa chính xác nhưng thực tế có nhiều hiện tượng học tủ học lệch, nhất là các trường chuyên, các bậc phụ huynh cũng muốn tập trung thời gian cho con mình học những môn được thi, đỗ đạt, còn những môn khác thì xem nhẹ. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định Bộ không đồng tình với việc làm này và thậm chí nghiêm cấm. Vì theo Bộ trưởng giáo dục phổ thông là giáo dục toàn diện, đức, trí, thể, mỹ và phải chú trọng đến những môn liên quan đến phát triển con người, dạy làm người, chứ không phải đi thuần túy kiến thức để thi. Bộ kiên quyết phản đối và sẽ tiếp tục tăng cường vai trò giám sát vấn đề này; đồng thời đề nghị các địa phương và các trường cùng với Bộ thực hiện nghiêm việc này để các học sinh được giáo dục một cách toàn diện./.

 Bản in]