Trang chủ  Tin tức sự kiện  Thông tin Quốc hội và đại biểu Quốc hội
CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH (SỬA ĐỔI) TRÊN CƠ SỞ ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI, PHÙ HỢP VỚI CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Cập nhật:17/08/2022 9:24:48 SA
Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp
Thảo luận về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với hướng tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Xã hội, tuy nhiên đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đánh giá tác động đối với các quy định mới, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Bỏ 01 điều, bổ sung 03 điều mới

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý còn 56 điều, ít hơn 06 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba, bỏ 01 điều, bổ sung 03 điều

Liên quan đến một số ý kiến đại biểu Quốc đề nghị bổ sung các quy định để bảo đảm áp dụng được đối với nhóm đối tượng người nước ngoài cư trú ở Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, thực tiễn công tác xây dựng pháp luật cho thấy các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian gần đây không có điều riêng về đối tượng áp dụng mà luật áp dụng chung cho tất cả “mọi người” trừ trường hợp đối tượng áp dụng có tính đặc thù. Do vậy, việc không quy định đối tượng áp dụng trong dự thảo Luật không ảnh hưởng đến việc áp dụng các quy định của Luật này đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đề xuất bỏ Điều 2 của dự thảo Luật do Chính phủ trình, đồng thời bổ sung quy định giao Chính phủ quy định việc áp dụng đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình như thể hiện tại khoản 3 Điều 22 dự thảo Luật. Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát bổ sung quy định để tăng tính khả thi của Luật này đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung một khoản quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc khi có căn cứ hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối (tương tự như trường hợp Tòa án nhân dân tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc quy định tại khoản 2 Điều 26).

Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, Tòa án không có thẩm quyền tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình”. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các vụ việc bạo lực gia đình mang tính chất đặc thù, nhiều vụ việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, cần phải có biện pháp xử lý ngay. Do vậy, dự thảo Luật quy định Tòa án tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc khi thấy cần thiết bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự của người bị bạo lực gia đình là phù hợp. Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung một điều sửa đổi Điều 135 của Bộ luật Tố tụng dân sự như thể hiện tại Điều 55 của dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban Tư pháp cũng nhất trí với quy định này.

Đối với việc việc bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế và rà soát tính tương thích với các điều ước quốc tế, Thường trực Uỷ ban nhận thấy, thực hiện công việc phục vụ cộng đồng có thể coi là biện pháp mạnh mẽ có tính răn đe và giáo dục cao trong phòng, chống b ạo lực gia đình, không trái với các công ước, điều ước quốc tế về lao động cưỡng bức.  Do vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đề xuất bổ sung Điều 33 quy định về biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” như thể hiện tại dự thảo Luật.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Bổ sung trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an cấp xã trong các quy định về: xử lý tin báo, tố giác vụ việc bạo lực gia đình (Điều 20), yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã (Điều 24), cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (Điều 25), cấm tiếp xúc theo quyết định của Tòa án (Điều 26), giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc (Điều 27), chăm sóc, điều trị người bệnh là người bị bạo lực gia đình (Điều 29), giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi (Điều 31), góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư (Điều 32), thực hiện công việc phục vụ cộng đồng (Điều 33)…; Bỏ quy định yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp hằng năm thực hiện đối thoại với người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình.

Tiếp tục rà soát, đánh giá tác động, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với các Điều ước quốc tế

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, phối hợp tích cực, hiệu quả giữa Ủy ban Xã hội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như chất lượng của dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); cho rằng hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện để trình tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, sau Kỳ họp thứ 3, Ủy ban Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, hữu quan để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với chất lượng tốt; 10 vấn đề đặt ra trong Báo cáo dự kiến giải trình, tiếp thu của Ủy ban, Xã hội đã thể hiện toàn diện, căn cơ; cách thức giải trình thuyết phục, chặt chẽ, có sự đồng thuận cao.

Để hoàn thiện dự thảo Luật này tốt hơn nữa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát kỹ thuật văn bản; khẳng định rõ trong Báo cáo đã đạt được mục tiêu, bám sát chủ trương, nguyên tắc, yêu cầu đề ra khi tiến hành sửa đổi Luật; đánh giá kỹ hơn nội dung về việc bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” tại Điều 33 để bảo phù hợp với các Điều ước quốc tế, đặc biệt là Công ước số 105 của ILO về Xóa bỏ Lao động Cưỡng bức mà Việt Nam đã tham gia.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Đồng tình với quan điểm này, theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” đã có nhiều nước áp dụng khi cá nhân có hành vi vi phạm vào một số lĩnh vực liên quan. Tuy nhiên, đây là một quy định mới. Do vậy, cơ quan trình dự án luật và cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng để đảm bảo tương thích với các điều luật khác, không vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Bên cạnh đó, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cần cân nhắc bổ sung các nội dung nhằm phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư trong phòng, chống bạo lực gia đình; cân nhắc kỹ quy định hòa giải trong trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình đến mức phải xử lý hình sự để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định của Bộ luật hình sự…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Xã hội tổng hợp thêm ý kiến của các đại biểu Quốc hội chuyên trách về dự án Luật này; phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, đánh giá tác động, tính khả thi, tương thích với các điều luật khác, không vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục phối hợp rà soát thêm các quy định về hành vi bạo lực gia đình để đảm bảo quyền tự do của công dân, tránh bỏ sót hành vi bạo lực gia đình trong thực tiễn như các ý kiến trong Thường vụ đã phát biểu; những quy định đảm bảo tính khả thi khi áp dụng đối với đối tượng là người nước ngoài cư trú ở Việt Nam; các quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, chính sách ưu đãi, các biện pháp tuyên truyền, vận động địa bàn dân cư…

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội hôm nay, đặc biệt phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ, thấu đáo để chỉnh lý dự án luật, hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, phối hợp tích cực, hiệu quả giữa Ủy ban Xã hội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như chất lượng của dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); cho rằng hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện để trình tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Các đại biểu tại phiên họp

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cần cân nhắc bổ sung các nội dung nhằm phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư trong phòng, chống bạo lực gia đình

Để hoàn thiện dự thảo Luật này tốt hơn nữa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát kỹ thuật văn bản; khẳng định rõ trong Báo cáo đã đạt được mục tiêu, bám sát chủ trương, nguyên tắc, yêu cầu đề ra khi tiến hành sửa đổi Luật; đánh giá kỹ hơn nội dung về việc bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” tại Điều 33 để bảo phù hợp với các Điều ước quốc tế, đặc biệt là Công ước số 105 của ILO về Xóa bỏ Lao động Cưỡng bức mà Việt Nam đã tham gia

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội hôm nay, đặc biệt phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ, thấu đáo để chỉnh lý dự án luật, hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4

Nguồn: quochoi.vn

 Bản in]