Trang chủ  Tin tức sự kiện  Thông tin Quốc hội và đại biểu Quốc hội
CHỦ NHIỆM ỦY BAN ĐỐI NGOẠI BÁO CÁO THẨM TRA VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM - EU
Cập nhật:21/05/2020 7:20:42 SA
 Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu.

Sáng ngày 20/5, thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nêu rõ: Căn cứ Tờ trình số 01/TTr-CTN ngày 18/4/2020 của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (gọi tắt là Hiệp định EVFTA) và Báo cáo thuyết minh số 159/BC- CP của Chính phủ, ngày 28/4/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

Căn cứ Luật Điều ước quốc tế năm 2016, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và ý kiến của các thành viên Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Đối ngoại xin báo cáo Quốc hội như sau:

Việt Nam và Liên minh Châu Âu khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do từ tháng 6/2012, sau gần 3 năm với 14 vòng đàm phán, tháng 12/2015 hai bên đã kết thúc đàm phán. Ngày 30/6/2019, tại Hà Nội, đại diện Chính phủ Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã ký Hiệp định EVFTA. Hiệp định EVFTA gồm 17 chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung. So với WTO và các FTA khác mà Việt Nam ký kết, Hiệp định EVFTA được coi là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngoài những cam kết về thương mại hàng hóa và dịch vụ với mức độ cắt giảm thuế cao còn phải cam kết các lĩnh vực được coi là phi truyền thống như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm Chính phủ, minh bạch hóa. 

Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, Hiệp định sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó). EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua Hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD chiếm 22% GDP toàn cầu.

Về trao đổi thương mại, Việt Nam và EU chủ yếu mang tính bổ trợ thay vì cạnh tranh lẫn nhau. Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, EVFTA dự kiến sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030, tập trung vào một số ngành như nhóm hàng nông sản (gạo, đường, thịt lợn, thịt gia súc gia cầm, lâm sản, đồ uống và thuốc lá), nhóm ngành chế biến, chế tạo (dệt, may mặc, da giày), nhóm ngành dịch vụ (vận tải thủy, vận tải hàng không, tài chính và bảo hiểm, các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác).

Về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm. EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường nước ta để không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường, đồng thời có sự tác dụng là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam.

Về đầu tư, EVFTA là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ.

Về lao động, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm. Về thu ngân sách, dự kiến tổng mức giảm thu từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên tăng thu từ thu nội địa dưới tác động của đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế khoảng 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030.

Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, đi cùng với những lợi ích, Hiệp định EVFTA cũng có một số thách thức: (1) EVFTA tạo ra sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ từ EU cho doanh nghiệp, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam; (2) EVFTA bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi thương mại, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp kiểm dịch động thực vật, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả chủ trương cải cách thủ tục hành chính; (3) Các cam kết về lao động trong hiệp định cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hay việc thành lập Nhóm tư vấn trong nước với sự tham gia của đại diện người lao động, các doanh nghiệp, nhà khoa học và các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam có thể làm gia tăng sức ép xã hội, xảy ra tranh chấp lao động quốc tế và tác động tiêu cực ảnh hưởng đến an ninh, trật tự quốc gia trong quá trình thực thi Hiệp định.

Một số ý kiến cho rằng báo cáo đánh giá tác động của Hiệp định được Chính phủ tiến hành vào cuối năm 2019 và đề nghị Chính phủ đánh giá thêm tác động của Hiệp định sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là các khó khăn thách thức do đại dịch ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa xã hội, nhất là tăng trưởng GDP, thu ngân sách, cơ cấu ngành, thu hẹp thị trường, giảm việc làm. Chính phủ cần dự báo xu hướng phát triển kinh tế quốc tế; đề ra các giải pháp xử lý để đảm bảo an ninh chính trị, an ninh kinh tế và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cập nhật và đánh giá cụ thể hơn tác động tích cực và tiêu cực của Hiệp định đến các ngành, lĩnh vực để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tận dụng tốt các cơ hội và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực từ Hiệp định, đồng thời có chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng từ Hiệp định.

Các đại biểu đề xuất Quốc hội hoan nghênh, ghi nhận và biểu dương Đoàn đàm phán Chính phủ về Kinh tế và Thương mại quốc tế trong quá trình đàm phán đi đến ký kết hai Hiệp định EVFTA và EVIPA, Đoàn công tác Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ vận động phê chuẩn hai Hiệp định, các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước thành viên EU và EU. Các ý kiến cho rằng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ, sự phối hợp nhịp nhàng của các Bộ, ngành liên quan và đặc biệt là sự chỉ đạo, phối hợp của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại, các cơ quan của Quốc hội và tán thành sự cần thiết sớm phê chuẩn Hiệp định.

Cùng với CPTPP, EVFTA và EVIPA đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam. Việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA sẽ gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và bảo hộ thương mại diễn biến phức tạp; giúp đa dạng hóa thị trường của Việt Nam để không bị phụ thuộc vào một thị trường nào, góp phần đảm bảo an ninh kinh tế. Việc Việt Nam ký và phê chuẩn FTA với EU vào thời điểm này là phù hợp và đúng thời điểm, tiếp tục tạo đà cho việc hội nhập kinh tế quốc tế và hồi phục sự phát triển kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19 qua các thị trường CPTPP và EU. Về chính trị, trong lúc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN năm 2020, Chủ tịch AIPA năm 2020, sẽ góp phần khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong các cam kết quốc tế qua đó nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất phê chuẩn Hiệp định EVFTA

Trình tự, thủ tục đề nghị phê chuẩn Hiệp định EVFTA đúng với quy định tại Khoản 14 Điều 70, Khoản 6 Điều 88 Hiến pháp năm 2013; Điều 18, Điều 78 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và các quy định khác trong Luật Điều ước quốc tế 2016. Hồ sơ kèm theo Tờ trình của Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA đảm bảo theo quy định tại Điều 31 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 về hồ sơ trình phê chuẩn điều ước quốc tế.

Về vấn đề Anh rời EU: Vào thời điểm ký kết hiệp định EVFTA, Anh vẫn là thành viên của Liên minh châu Âu và được coi là thuộc bên tham gia ký kết cùng Việt Nam. Với Thỏa thuận giữa Anh và EU về việc Anh rời khỏi EU (Thỏa thuận Brexit), Anh đã rời khỏi EU từ 23h ngày 31/01/2020, tuy nhiên trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi Anh chính thức rời EU tính từ 01/02/2020 đến hết 31/12/2020 và có thể gia hạn đến 24 tháng thì các thỏa thuận quốc tế được ký kết bởi EU vẫn được áp dụng cho Anh.

Tính hợp hiến và mức độ phù hợp của Hiệp định EVFTA với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để thực hiện Hiệp định EVFTA. Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, do Hiệp định CPTPP và EVFTA có nhiều cam kết tương tự nhau nên việc rà soát EVFTA có tham khảo và đối chiếu với kết quả rà soát Hiệp định CPTPP, theo đó những đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các VBQPPL hay kiến nghị tham gia một số ĐƯQT để thực thi CPTPP trước đây đã đủ để thực hiện những cam kết tương tự trong EVFTA sẽ không được nhắc lại trong kiến nghị sửa đổi VBQPPL để thực thi EVFTA. Trên cơ sở đó, Chính phủ kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009; Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2010; 01 Nghị định và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị ban hành mới 04 Nghị định và kiến nghị gia nhập Hiệp định UNECE 1958.

Ngoài ra, một số ý kiến của các cơ quan của Quốc hội và một số đại biểu đề nghị làm rõ một số vấn đề: Về cam kết các biện pháp phi thuế quan trong lĩnh vực dược phẩm trang thiết bị y tế; Về việc mở cửa cho nhà thầu EU tham gia các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện Việt Nam; Về cam kết của Việt Nam trong một số ngành dịch vụ và đầu tư như cam kết dịch vụ y tế tự nguyện theo pháp luật Việt Nam; Về nhóm hàng hóa áp dụng hạn ngạch thuế quan, bảo đảm nguyên tắc phân bổ minh bạch, công khai, tạo cơ hội công bằng cho các doanh nghiệp; Về lĩnh vực tái bảo hiểm, dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng; Về thương mại và phát triển bền vững, có thành lập Ủy ban hỗn hợp chung, tuy nhiên lại không đặt ra vấn đề trừng phạt thương mại; Về tiến độ trình sửa đổi Luật Công đoàn để đáp ứng với với cam kết trong CPTPP, EVFTA và phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.

Khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần Hiệp định.

Tờ trình của Chủ tịch nước và Báo cáo thuyết minh của Chính phủ kiến nghị không bảo lưu bất kỳ nội dung nào của Hiệp định. Tại phụ lục 2 Báo cáo thuyết minh của Chính phủ đề xuất danh mục 23 cam kết/nhóm cam kết áp dụng trực tiếp vào thời điểm Hiệp định có hiệu lực. Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát danh mục các cam kết kiến nghị áp dụng trực tiếp đảm bảo đủ rõ, đủ chi tiết để áp dụng trực tiếp theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016.

Kiến nghị việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA

Căn cứ Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và các ý kiến thẩm tra, Ủy ban Đối ngoại xin kiến nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định EVFTA tại một kỳ họp và tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; cho phép áp dụng Hiệp định này với Anh cho đến hết giai đoạn chuyển tiếp ngày 31/12/2020 và có thể gia hạn đến 24 tháng theo thỏa thuận giữa Anh và Liên minh châu Âu về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Đồng thời giao Chính phủ thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do song phương với Anh trên cơ sở Hiệp định EVFTA với những điều chỉnh phù hợp đảm bảo lợi ích cho cả hai bên để áp dụng thay thế cho Hiệp định EVFTA khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc, theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016.

Đối với Chính phủ:

- Chỉ đạo Bộ, ngành tiếp tục phân tích, đánh giá tác động của Hiệp định theo phương pháp tính toán định lượng trên tất cả các lĩnh vực, cập nhật bổ sung đánh giá tác động của Hiệp định do đại dịch Covid-19 gây ra để chủ động tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức và giảm thiểu các tác động tiêu cực trong quá trình triển khai Hiệp định. Ngoài ra, bổ sung đánh giá tác động đa chiều với các đối tác khác nhau, các đối tác cùng tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương với Việt Nam, đảm bảo lợi ích quốc gia của Việt Nam khi tham gia Hiệp định.

- Tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm thực thi các cam kết trong Hiệp định theo đúng lộ trình và chủ động tận dụng và phát huy tối đa các lợi ích mà Hiệp định mang lại.

- Triển khai các thủ tục đề xuất gia nhập Hiệp định UNECE 1958 và các Điều ước quốc tế khác theo cam kết trong Hiệp định.

- Thống nhất với EU về thời điểm có hiệu lực của Hiệp định trên tinh thần đưa Hiệp định vào thực thi vào thời điểm sớm nhất, phù hợp với quy định của Hiệp định và quy định pháp luật của mỗi bên để sớm tận dụng các cơ hội trong quan hệ kinh tế hai bên. Chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn Hiệp định sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định.

- Hoàn thiện và cụ thể hóa Kế hoạch thực hiện Hiệp định, áp dụng công nghệ 4.0 trong công tác phổ biến, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ đến các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, củng cố các cơ chế tham vấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp Việt Nam để chủ động tận dụng các cơ hội và vượt qua thách thức, giảm thiểu các tác động tiêu cực, mang lại lợi ích cao nhất cho đất nước.

- Trong báo cáo Quốc hội hàng năm về tình hình ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, đề nghị có đánh giá về kết quả và hiệu quả thực hiện Hiệp định trên các mặt kinh tế - xã hội so với các chỉ tiêu dự kiến đề ra khi trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định./.

Nguồn: quochoi.vn

 Bản in]