Trang chủ  Tin tức sự kiện  Tin hoạt động Quốc hội
Cần có cơ chế đặc thù để bảo tồn, phát huy giá trị di tích cố đô Huế
Cập nhật:30/03/2018 9:34:19 SA
Chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ Phan Thanh Bình chủ trì buổi làm việc
Chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ Phan Thanh Bình chủ trì buổi làm việc
Sáng 29.3, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã làm việc với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình chủ trì buổi làm việc; Cùng các đồng chí: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thị Hoa, các Ủy viên Thường trực Ủy ban Phan Viết Lượng, Nguyễn Quốc Hưng; Đồng chí Nguyễn Chí Tài - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cùng tham dự buổi làm việc.

Cố đô Huế được đánh giá còn bảo lưu khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình, với sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố con người, kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên. Sau khi Quần thể di tích Cố đô Huế được vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới ngày 11.12.1993, Thừa Thiên Huế đã xây dựng chiến lược phù hợp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Chiến lược đó đã được cụ thể hóa bằng Dự án “Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, giai đoạn 1996 - 2010” do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với các ban, ngành liên quan xây dựng. Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 105/TTg năm 1996 và gần đây nhất là Quyết định 818/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Dự án điều chỉnh Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế, giai đoạn 2010 - 2020; Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 12.12.2012 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di tích Huế.

Qua đó, UNESCO đã đánh giá công cuộc bảo tồn di tích Huế đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ. Những kết quả quan trọng ấy được thể hiện trên các mặt: Bảo tồn, trùng tu di tích; bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; hợp tác quốc tế, nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào công tác bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; phát huy giá trị di sản.

Tuy nhiên, do Quần thể Di tích Cố đô Huế có số lượng công trình kiến trúc rất lớn, trải rộng trên địa bàn nhiều huyện, thị xã và thành phố Huế, bên cạnh đó còn có các di sản văn hóa phi vật thể, nên công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Trung tâm chỉ mới được giao quản lý các di tích tiêu biểu của Triều Nguyễn, còn lại rất nhiều di tích có giá trị đang do chính quyền địa phương và dòng tộc quản lý. Do nhu cầu bức thiết của công tác bảo tồn, các di tích này dự kiến sẽ bàn giao cho Trung tâm để quản lý, bảo tồn tốt hơn. Vì vậy, Trung tâm kiến nghị cần có cơ chế đặc thù để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trung tâm cũng đề nghị nghiên cứu, sửa đổi các bất cập giữa Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và Luật Di sản văn hóa để giữa thống nhất các điều luật, tạo điều kiện cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Đối với Chính phủ, đề nghị Thủ tướng ủy quyền cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thẩ̉m định và phê duyệt thiết kế dự toán các dự án đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các công trinh di tích hoặc các hạng mục công trình di tích thuộc các di tích quốc gia đặc biệt có tổng mức đầu tư tương đương với dự án nhóm C (có tổng mức đầu tư dưới 45 tỷ đồng) sau khi có ý kiến thẩm định dự án của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; xem xét ban hành cơ chế đặc biệt dành cho việc nhập khẩu hiện vật hồi hương; bổ sung các tiêu chí về bảo vệ môi trường cho các khu di sản, trong đó phải cụ thể hóa cho những di sản có tính đặc thù cao, xây dựng khung chế tài, xử phạt vi phạm và phân định trách nhiệm rõ ràng của các đơn vị liên quan.

Các công trình di tích quốc gia đặc biệt và di sản thế giới được xếp vào công trình cấp đặc biệt và thuộc dự án nhóm A. Tuy nhiên, việc xếp loại di tích cấp quốc gia đặc biệt, di sản thế giới được xét đến chủ yếu trên các yếu tố chính về văn hóa, lịch sử, đặc trưng kiến trúc và tính quần thể của các công trình…; nhưng khi xét yếu tố quy mô công trình, hạng mục công trình thì mức độ phức tạp của kết cấu công trình, quy mô diện tích… thì các công trình di tích hầu hết có quy mô rất nhỏ, kết cấu đơn giản. Với lý do đó, Trung tâm đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, xếp các loại công trình di tích vào nhóm công trình cấp III, cấp II hoặc quy định cụ thể hơn các công trình di tích quốc gia đặc biệt - di sản thế giới là cấp đặc biệt, nhằm giảm thiểu việc thực hiện các thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các công trình di tích.

Phát biểu tham gia tại buổi làm việc đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị lãnh đạo Trung tâm tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá cho du khách về hình ảnh, thương hiệu du lịch Huế; sớm hoàn thiện các cơ chế để đề xuất phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân sống trên kinh thành Huế. Kiến nghị lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội quan tâm kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành chức năng tạo điều kiện thêm cho Trung tâm có cơ chế, chính sách thuận lợi trong việc trùng tu, tôn tạo và di dời một số hạng mục công trình văn hóa ra khỏi di tích.

Đoàn khảo sát ghi nhận các kiến nghị của Trung tâm, nhất là việc cần tạo cơ chế đặc thù để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế tốt hơn, trong đó trước mắt là việc giải tỏa các hộ dân đang sống và tác động trực tiếp tới di sản. Đoàn khảo sát mong muốn Trung tâm phát huy hơn nữa chức năng, nhiệm vụ cũng như kinh nghiệm của mình, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị chức năng để khai thác tiềm năng, lợi thế, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trung tâm đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, xếp các loại công trình di tích vào nhóm công trình cấp III, cấp II hoặc quy định cụ thể hơn các công trình di tích quốc gia đặc biệt - di sản thế giới là cấp đặc biệt, nhằm giảm thiểu việc thực hiện các thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các công trình.

Một số hình ảnh:

 Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh

 

 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối