Trang chủ  Tin tức sự kiện  Thông tin Quốc hội và đại biểu Quốc hội
ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THAM GIA GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG
Cập nhật:27/05/2022 8:22:10 SA
ĐBQH Nguyễn Thanh Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế
ĐBQH Nguyễn Thanh Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế
Sáng 26/5, Quốc hội tiến hành xem xét, cho ý kiến và dự kiến thông qua dự án Luật Cảnh sát cơ động. Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thừa Thiên Huế tán thành, thống nhất cao với Dự thảo luật, đồng thời đóng góp 1 số ý kiến quan trọng.

Dự án Luật kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn, bất cập của Pháp lệnh hiện hành về Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Với tính chất đặc thù và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi phải xây dựng các quy định ở tầm luật để điều chỉnh về hoạt động, tổ chức, trang bị, chế độ, chính sách của CSCĐ. Đây cũng sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng lực lượng CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành, thống nhất cao với Dự thảo luật. Ông Nguyễn Thanh Hải, ĐBQH, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh cũng cơ bản thống nhất với nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và Dự thảo Luật CSCĐ.

Để góp phần hoàn thiện nội dung của dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải cho rằng, về nguyên tắc hoạt động của CSCĐ (được quy định tại Điều 4 của Dự thảo) cần nghiên cứu bổ sung vào 1 khoản, đó là bảo đảm quyền con người, quyền công dân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, tổ chức.

Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Hải, việc bổ sung khoản này vào dự thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, đảm bảo phù hợp với các công ước quốc tế liên quan đến quyền con người.

Tại khoản 5, Điều 4 dự thảo quy định: “Bảo đảm sự chỉ huy, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương”, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải đề nghị ban soạn thảo bổ sung cụm từ “quản lý” để đảm bảo chặt chẽ và thống nhất với khoản 1 Điều này.

Theo đó, ông Hải đề nghị viết lại như sau: “Bảo đảm sự chỉ huy, chỉ đạo, quản lý tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương”.

Liên quan đến nhiệm vụ của CSCĐ được quy định tại Điều 9 của dự thảo. Điểm b, khoản 3 quy định: “Giải tán các vụ tập trung đông người gây rối loạn an ninh trật tự”. ĐBQH Nguyễn Thanh Hải góp ý ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm cụm từ “gây nguy hiểm đến an toàn xã hội”. Ông Hải dẫn chứng về dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe toàn xã hội với tốc độ lây lan nhanh. Theo đó, nhiều thời điểm chính quyền phải hạn chế tụ tập động người. Vì vậy, bổ sung thêm cụm từ “gây nguy hiểm đến an toàn xã hội” để quy định của luật được chặt chẽ và thống nhất với các luật liên quan.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại quy định vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở, của cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng chống khủng bố. Theo ông Hải, quy định này là chưa chặt chẽ.

Về trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh được quy định tại Điều 30 của dự thảo, khoản 1 quy định: “Phối hợp với Bộ Công an quy hoạch quỹ đất phù hợp để xây dựng trụ sở đóng quân, thao trường cho cảnh sát cơ động”, ông Hải góp ý: “Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại để đảm bảo thống nhất giữa các quy định của pháp luật. Vì khoản 2, Điều 148 của Luật Đất đai cũng quy định: “Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh”.

Được biết, Dự án Luật này cũng được các ĐBQH thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 2. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật CSCĐ gồm 5 chương, 33 điều, trong đó quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ, tổ chức và hoạt động của CSCĐ; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với CSCĐ như, kinh phí, cơ sở vật chất, ưu tiên đầu tư trang bị hiện đại, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ cho các hoạt động của CSCĐ; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với CSCĐ. Dự thảo Luật đã quy định cụ thể 7 quyền hạn của CSCĐ, trong đó kế thừa 5 quy định về quyền hạn tại Pháp lệnh CSCĐ, bổ sung thêm 2 quyền hạn.


 Bản in]