Trang chủ  Tin tức sự kiện  Thông tin Quốc hội và đại biểu Quốc hội
GIỮ QUY ĐỊNH VỀ GIÁ TRẦN, BỎ QUY ĐỊNH VỀ GIÁ SÀN BAY NỘI ĐỊA
Cập nhật:24/05/2023 8:58:43 SA
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế
Phát biểu thảo luận tại hội trường tại kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, chiều 23.5 về dự thảo Luật Giá (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) đề nghị giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa.

heo đại biểu, về nhân lực thực hiện dịch vụ thẩm định giá tại Điều 44 và thẩm định giá của nhà nước tại Điều 60 rất cần được Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh cho tương thích, thống nhất. Vì thực chất theo quy định, muốn trở thành thành viên Hội đồng thẩm định giá (HĐTĐG) của nhà nước hoặc ngoài nhà nước đều phải “Có nghiệp vụ thẩm định giá” và cũng phải trải qua kỳ thi thẩm định viên về giá.

Tại khoản 2, Điều 60, việc quy định tỷ lệ có ít nhất 50% thành viên trong HĐTĐG có chứng nhận chuyên môn là còn mỏng về nền tảng chuyên nghiệp khi chúng ta đang phấn đấu xây dựng một nền hành chính hiện đại, kỷ nguyên số hoá toàn diện. Bởi theo đại biểu, trường hợp HĐTĐG tỷ lệ tối thiểu là 50% thành viên đáp ứng điều kiện chuyên môn thì rất khó đạt hiệu quả công việc. Do đó, cần nâng tỷ lệ từ 50% lên 70%, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị. 

Về định giá, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhất trí với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa. Tuy nhiên, đối với “mức giá 0 đồng” của các hãng hàng không thì cần xem xét, điều chỉnh lại thuật ngữ “mức giá 0 đồng” bằng những thuật ngữ phù hợp như “giá ưu đãi” hoặc “giá khuyến mại” nhằm tránh ngộ nhận, lợi dụng và cũng thể hiện được tính minh bạch trong Luật Cạnh tranh, Luật giá. Bởi “mức giá 0 đồng là chưa gồm thuế, phí và thực tế người tiêu dùng vẫn phải chi trả một khoản tiền nhất định, đại biểu nêu ý kiến. 

Đối với quy định chuyển tiếp tại Điều 75, Khoản 1, các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Luật giá số 11/QH13 ngày 20.6.2013 phải bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá quy định tại Luật này từ ngày 1.1.2026. Trong khi, ở các khoản 4 (các tiêu chuẩn thẩm định giá) và khoản 5 (các văn bản định giá) lại được gia hạn tối đa đến ngày 1.7.2025. Về vấn đề này, đại biểu kiến nghị điều chỉnh thời hạn bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá ở khoản 1 là từ ngày 1.7.2025 cho phù hợp và thống nhất.

Trong danh mục hàng hóa do nhà nước định giá, về danh mục “nước sạch”, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu cũng kiến nghị điều chỉnh trở thành “nước sạch sinh hoạt” để phù hợp với mục đích sử dụng thực tiễn và luật định. Theo phân tích của đại biểu, Luật Giá năm 2012 quy định nước sạch sinh hoạt thuộc danh mục nhà nước định giá, do vậy đối với giá nước sạch không phục vụ cho mục đích sinh hoạt, như sản xuất bia, dệt nhuộm, nước sử dụng cho các nhà máy trong khu công nghiệp, nước phục vụ tưới tiêu,… do đơn vị cung cấp nước sạch quyết định trên cơ sở phương án giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức giá này thường cao hơn giá nước sạch sinh hoạt, đồng thời trên cơ sở hợp đồng cung cấp nước sạch hai bên được kết cấu thêm các khoản chi phí về đầu tư đường ống dẫn phù hợp với sản lượng nước sử dụng thỏa thuận.


Nguồn: quochoi.vn

 Bản in]