Trang chủ  Tin tức sự kiện  Thông tin Quốc hội và đại biểu Quốc hội
HỘI ĐỒNG DÂN TỘC THẨM TRA BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2020 CỦA VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ, MIỀN NÚI
Cập nhật:22/09/2020 8:11:37 SA
Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Hội đồng Dân tộc.
Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Hội đồng Dân tộc.

Sáng ngày 21/9, tại phiên họp toàn thể lần thứ 11, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thẩm tra báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2020 của vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2020 của vùng dân tộc thiểu số, miền núi; phương hướng  nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020 và đề xuất phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021, xây dựng kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 đầu tư các lĩnh vực, chương trình, dự án cho dân tộc thiểu số, miền núi.

Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2020 của vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông cho biết, tình hình vùng dân tộc thiểu số và miền núi 9 tháng đầu năm 2020 cơ bản ổn định; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, các vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, khối đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được giữ vững.

Tuy nhiên trong năm 2020, thời tiết, khí hậu một số địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi có diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của đồng bào, cùng với đó là dịch bệnh bạch hầu, dịch sốt xuất huyết xảy ra trong khu vực các tỉnh Tây Nguyên. Trong bối cảnh đó, các cấp chính quyền địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã tích cực khắc phục hậu quả, thăm hỏi động viên đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, huy động các nguồn lực hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Y Thông cũng cho biết thực hiện chức năm nhiệm vụ của mình, năm 2020 Ủy ban Dân tộc đã bám sát các nghị quyết, chỉ thị, quyết định kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác dân tộc; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc.

Mặc dù vậy, vùng đồng bào dân tộc thiểu số  và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất cả cả nước. Khoảng cách phát triển giữa các dân tộc thiểu số với dân tộc kinh, giữa các nhóm dân tộc thiểu số, giữa miền núi và miền xuôi chưa được rút ngắn.

 


 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Y Thông trình bày báo cáo tại phiên họp.

Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số, thu nhập bình quân nhóm dân tộc thiểu số đạt 1.161.000 đồng/người/tháng, và có sự phân hóa tròng 53 dân thộc thiểu số, nhóm thu nhập thấp nhất trung bình dưới 632.000 đồng/người/tháng ở các dân tốc như Mảng, Khơ Mú, Lô Lô, Chứt, La Hủ, Ơ Đu, Mông, La Chí, Bru Vân Kiều, Cơ Lào, Xinh Mun.

Một số vấn đề bức thiết trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số như dân cư tự phát, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt…chưa được giải quyết hiệu quả. Việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục còn nhiều khó khăn, chất lượng vẫn còn thấp.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Y Thông cho rằng, tác động tiêu cực của biến đối khí hậu ngày càng gia tăng, tình trạng sạt lở đất, xâm ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, lũ ống, lũ quét ở các tỉnh Tây Bắc, hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung…làm cho đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã khó khăn lại càng khó khăn.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Y Thông cũng chỉ rõ những tồn tại hạn chế hiện này một phần nguyên nhân chủ quan do hệ thống chính sách phát triển kinh tế - xã hội dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự đồng bộ.

Sự không đồng bồ trong chính sách thường gặp ở nhóm chính sách hỗ trợ tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất và nhóm chính sách cần sự kết hợp của nhiều giải pháp hay phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều bộ ngành và địa phương. Cơ chế thực thi chính sách cũng phức tạp và thiếu đồng bộ mà trước hết là ở khâu tổ chức quản lý thực hiện. Sự trùng lặp về đối tượng, nội dung và cơ quan triển khai thực hiện chính sách ở địa phương giữa Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, Chương trình Nông thôn mới và Chương trình 135. Các chương trình này đều hướng tới mục đích chung là giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội nên mặc dù mỗi chương trình đều nêu trách nhiệm cụ thể của bộ ngành, địa phương nhưng hiệu quả thực hiện chưa cao.

Một vấn đề khác được các đại biểu quan tâm liên quan đến việc giải ngân và bố trí vốn thực hiện các chương trình dự án trong giai đoạn tới. Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh cho biết đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, ở những địa phương nghèo chủ  yếu nhận hỗ trợ ngân sách từ Trung ương, khó có thể lồng ghéo các chương trình, dự án để thực hiện chính sách dân tộc, trong khi đó ngân sách Trung ương chưa bố trí được nguồn vốn để thực hiện nên không đạt được mục tiêu các đề án, chính sách được phê duyệt.

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh chỉ rõ thực tiễn triển khai Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và Quyết định số 2086/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ phát tiển kinh tế - xã hội các dân tộc rất ít người 2016-2025, các địa phương rất mong đợi nhưng thực tế không thực hiện được do chưa bố trí được vốn thực hiện.

 


 

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh phát biểu tại phiên họp.

Cho biết theo dự kiên chương trình Kỳ họp thứ 10 tới, Quốc hội sẽ bàn về kinh phí để thực Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó đã xác định tiêu chí ưu tiên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh đề nghị cần có sự rào soát kỹ từ các địa phương để xác định rõ thứ tự ưu tiên thực hiện, đối tượng, nội dung thực hiện bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn để tránh lặp lại như gói hỗ trợ thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg và Quyết định số 2086/ QĐ-TTg. Đại biểu cũng để nghị xem xét đến các Chương trình Mục tiêu Quốc gia cho giai đoạn sau để bảo đảm đồng bộ.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn trước việc hạn chế trong bố trí vốn thực hiện các Đề án, Chương trình.

Kết luận nội dung thảo luận, nhấn mạnh nội dung tại phiên họp lần này của Hội đồng Dân tộc vừa phối hợp thẩm tra vừa giám sát việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp để bổ sung hoàn thiện các báo cáo. Trong đó cần có thêm đánh giá về tình hình thiên tai dịch bệnh trong thời gian qua ảnh hưởng nghiêm trọng trong cả nước; có thêm đánh giá về tác động của đại dịch và thực hiện gói hỗ trợ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; làm rõ trọng tâm thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025, đánh giá tổng thể các dự án cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng lưu ý thống nhất giải trình rõ việc thực hiện ngân sách cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, tính khả thi hiệu quả của việc triển khai vốn ODA.

 


 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến kết luận nội dung thảo luận.

Nhấn mạnh Nghị quyết số 88/2019/QH 14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là những quyết định của tính lịch sử, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị cần có sự quan tâm, bố trí nguồn lực cao hơn, bảo đảm cơ cấu đầu tư theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội là tăng đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi; đồng thời để đảm bảo hiệu quả triển khai thực hiện cần sớm ban hành quyết định đầu tư, cơ chế chính sách, xác định đối tượng, địa bàn./.

Nguồn: quochoi.vn

 Bản in]