Trang chủ  Tin tức sự kiện  Thông tin Quốc hội và đại biểu Quốc hội
Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia nhằm bảo vệ giống nòi và tương lai của dân tộc
Cập nhật:19/11/2018 1:43:35 CH
Đại biểu Phạm Như Hiệp phát biểu tham luận tại hội trường
Đại biểu Phạm Như Hiệp phát biểu tham luận tại hội trường
Ngày 16/11, thảo luận tại hội trường về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, đại biểu Phạm Như Hiệp, Đoàn Thừa Thiên Huế khẳng định “việc thông qua dự án luật này là hết sức cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe của giống nòi cũng như tương lai của dân tộc. Tôi hoàn toàn ủng hộ luật này”

Không nên quá lạm dụng rượu, bia

Về tên gọi dự án luật, đại biểu Phạm Như Hiệp tán thành là "Luật Phòng, chống tại hại của rượu, bia", các tên gọi khác như "kiểm soát tác hại" hoặc "kiểm soát lạm dụng của rượu, bia" theo đại biểu là chưa phù hợp. Vì kiểm soát là khi vấn đề đó đã xảy ra rồi.

Theo đại biểu Phạm Như Hiệp, vấn đề tiếp theo là kiểm soát rượu, bia quá rộng và liên quan đến các ngành nghề khác như công thương, thương mại... Do đó, tên "Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia" là hoàn toàn phù hợp.

Qua nghiên cứu toàn bộ dự thảo luật, ông Hiệp nhận thấy hầu hết các quy định tập chung chủ yếu vào công tác tuyên truyền, thông tin, giáo dục. Tuy nhiên, nhằm phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu quả hơn, cần có thêm các điều khoản về chế tài hoặc xử phạt để luật phát huy tác dụng. Để tránh các vấn đề như đại biểu Nguyễn Lân Hiếu lo ngại, hay đại biểu Nguyễn Đức Kiên cũng có nhắc đến trong phần tranh luận…

Ông Hiệp dẫn chứng: Nhu cầu sử dụng rượu, bia của người dân là nhu cầu có thật. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc sử dụng rượu, bia trong đời sống người dân Việt Nam hiện nay là khá bừa bãi và quá mức. Do người dân còn chưa có ý thức cao đối với vấn đề bảo vệ sức khỏe. Chúng ta cần khẳng định việc thưởng thức, sử dụng rượu, bia một cách hợp lý, có chừng mực là khác với việc lạm dụng rượu, bia. Sử dụng rượu, bia một cách tràn lan sẽ dẫn đến nhiều tác hại cho xã hội.

“Ví dụ, về tai nạn giao thông, thống kê khoảng 50% các tai nạn giao thông có chết người liên quan đến có sử dụng rượu, bia, hoặc các tai nạn sinh hoạt, các tệ nạn xã hội liên quan rất nhiều đến rượu, bia và sức khỏe của người dân, các bệnh tật đi kèm trong việc sử dụng rượu, bia, như bệnh tim mạch, sơ gan. Các bệnh ung thư, như ung thư thực quản và ung thư gan”- ông Hiệp cho biết.

Rượu, bia làm giảm tuổi thọ

Đại biểu Hiệp cũng cung cấp một số số liệu đáng quan tâm như: Theo GLOBOCAN, năm 2018, tỷ lệ tử vong, số người tử vong do ung thư gan có liên quan đến sơ gan do rượu tại Việt Nam là 25.000 người, như vậy là gấp hơn hai lần so với tai nạn giao thông mà chúng ta gặp phải. Một ví dụ khác cũng được trích dẫn, đó là ở nước Nga tuổi thọ trung bình của Nga chỉ khoảng trên 70 tuổi, mặc dù đó là một nước phát triển. Có liên quan nhiều đến tệ nạn nghiện rượu của người dân. Trong khi Việt Nam là 74- 75 là tuổi thọ trung bình.

Chính phủ Nga phải đề ra chiến lược dài hơi để chống tệ nghiện rượu như đại biểu Chau Chắc đoàn An Giang đã trình bày với Quốc hội. Hoặc Chính phủ Hàn Quốc xem uống rượu, bia khi tham gia giao thông là tội ác. Hoặc ở châu Âu chúng ta đã thấy hội chứng hoặc thuật ngữ "những đứa con của ngày thứ 7". Tức là sau ngày thứ 7, rượu, bia hoặc đi bar thì đứa con đó ra đời sẽ có rất nhiều các dị tật cũng như các thiểu năng về trí tuệ.

“Do đó, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, vì tương lai của giống nòi. Tôi ủng hộ với ý kiến của đại biểu Phạm Trọng Nhân về chi phí và hậu quả tác hại của rượu, bia lớn hơn lợi ích mà nó mang lại”- ông Hiệp khẳng định.

Đại biểu cho rằng, ý kiến của đại biểu Nguyễn Đức Kiên là đúng, tuy nhiên cần tính vị trí của người Việt Nam trong tiêu thụ rượu, bia. Chúng ta đã thấy các con số của WHO với tỷ lệ 1,3% liên quan đến GDP. Nước ta là nước tiêu thụ rượu, bia, theo các số liệu cao nhất của Đông Nam Á và đứng thứ ba châu Á. Rõ ràng việc áp dụng số liệu như vậy tôi nghĩ có thể ước tính con số cũng khá chính xác.

Về tên gọi của dự luật là "Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia" thống nhất với Quyết định 244 của Thủ tướng ngày 12/02/2014 về ban hành chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 và Nghị quyết số 20 Ban Chấp hành Trung ương ngày 25/10/2017 về đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân cũng như chiến lược toàn cầu về giảm thiểu tác hại về việc lạm dụng đồ uống có cồn của WHO.

“Việc thông qua dự án luật này là hết sức cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe của giống nòi cũng như tương lai của dân tộc. Tôi hoàn toàn ủng hộ luật này”- đại biểu Phạm Như Hiệp khẳng định.

Theo http://baothuathienhue.vn
 Bản in]