Trang chủ  Tin tức sự kiện  Thông tin Quốc hội và đại biểu Quốc hội
QUAN TÂM ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÁC KHU VUI CHƠI, GIẢI TRÍ CHO TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN
Cập nhật:09/10/2019 2:27:05 CH
Đồng chí Nguyễn Chí Tài - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Phú Lộc
Đồng chí Nguyễn Chí Tài - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Phú Lộc
Sáng ngày 08/10/2019, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015 - 2019” đã tiến hành giám sát tại UBND huyện Phú Lộc. đồng chí Nguyễn Chí Tài - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát, chủ trì buổi làm việc; cùng dự có các thành viên là đại diện lãnh đạo: Hội đồng nhân dân tỉnh, UBMTTQVN tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Thừa Thiên Huế.

Trong những năm qua, cùng với công tác lãnh, chỉ đạo việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội, huyện Phú Lộc thường xuyên quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tính đến tháng 6/2019, trên địa bàn huyện Phú Lộc có 31.287 trẻ em, chiếm 22,26% dân số,trong đó có 2.320 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, chiếm tỷ lệ 7,42%. UBND huyện đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 15 lớp tập huấn phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em cho hơn 1.413 lượt người tham gia với thành phần là công chức LĐ-TB&XH, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại các xã, thị trấn, phụ huynh học sinh và trẻ em. Huyện Phú Lộc đã phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tổ chức “Diễn đàn lắng nghe trẻ em nói” thông qua diễn đàn các em được chia sẻ sự hiểu biết và được bày tỏ ý kiến, quan điểm, nguyện vọng về thực hiện quyền trẻ em và những vấn đề mà các em đang quan tâm. Trong giai đoạn từ năm 2015-2019, trên địa bàn huyện Phú Lộc xảy ra 05 vụ xâm hại về thân thể và tình dục trẻ em, trong đó tội danh dâm ô và giao cấu với trẻ em xảy ra 04 vụ và 01 vụ cố ý gây thương tích cho trẻ em, không xảy ra các vụ việc liên quan đến bóc lột, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc, đánh tráo, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Phú Lộc phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến một số nội dung như: Việc bảo vệ quyền lợi cho các trẻ em khi liên quan đến các vụ án hình sự; đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình; công tác hỗ trợ trẻ em bị xâm hại xảy ra ngoài nhà trường; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của chính quyền các cấp...

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Chí Tài - Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao công tác phòng, chống xâm hại trẻ em của huyện Phú Lộc. Qua làm việc, Đoàn giám sát nhận thấy, UBND huyện đã nắm chắc các số liệu về trẻ em trên địa bàn; công tác triển khai các văn bản về phòng, chống xâm hại trẻ em đã được quan tâm. Các cơ quan nội chính thực hiện nghiêm túc công tác giải quyết tin báo tố giác tội phạm, đảm bảo công khai, minh bạch; việc xét xử được thực hiện nghiêm minh. Các vụ việc bị xử lý hình sự trên địa bàn huyện tuy không nhiều so với địa bàn toàn quốc, nhưng so với các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh là khá cao, điều này có nguyên nhân do số lượng trẻ em nhiều, địa bàn trải rộng. Báo cáo của UBND huyện đã phân tích rõ các nguyên nhân khách quan, các nguyên nhân chủ quan và đưa ra giải pháp, ý kiến, kiến nghị để tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế đó là: Văn bản triển khai chủ yếu là kế hoạch, thiếu văn bản chỉ đạo, đôn đốc, báo cáo về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện. Báo cáo của UBND huyện thiếu số liệu các mô hình, câu lạc bộ được thành lập. Đối với các kiến nghị, huyện chỉ tập trung kiến nghị với Chính phủ, chưa kiến nghị các vấn đề liên quan đến Quốc hội, các Bộ, ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Bên cạnh đó, qua báo cáo cho thấy sự phối hợp của các ban, ngành vẫn đang còn lúng túng. Đề nghị huyện cần rà soát, bổ sung, đánh giá, nhận định khách quan hơn trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em phù hợp với thực tiễn của địa phương. 

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới, đồng chí Trưởng Đoàn giám sát đề nghị UBND huyện quan tâm một số vấn đề sau: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chiều rộng và chiều sâu, tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời cần phân rõ từng đối tượng, từng ngành để công tác tuyên truyền nâng cao từ nhận thức đến hành động. Huyện cần tuyên truyền để nâng cao hơn nữa vai trò của gia đình trong chăm sóc trẻ em, vì gia đình là hạt nhân của xã hội. Ngoài ra, UBND huyện cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng trường học thân thiện để các em có môi trường phát triển kỹ năng, thể chất, mỹ thuật phù hợp với điều kiện hội nhập và phát triển hiện nay. Bên cạnh đó, trên địa bàn toàn huyện vẫn còn số lượng lớn các em có hoàn cảnh khó khăn chưa được trợ giúp, đề nghị huyện Phú Lộc cần quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để các em có thể vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

Trong thời gian tới, huyện Phú Lộc cần quan tâm đến công tác phòng ngừa, chú trọng tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, kỹ năng phòng vệ, kỹ năng phòng chống đuối nước cho các em và các cộng tác viên, đội ngũ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, UBND huyện cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Huyện cần tiếp tục chỉ đạo chính quyền các xã, các phòng, ban chức năng thực hiện các kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân huyện liên quan đến các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em. Hiện nay, các khu vui chơi, giải trí trên địa bàn huyện chưa nhiều, vì vậy huyện Phú Lộc cần quan tâm đầu tư các khu vui chơi cho thanh thiếu niên trên địa bàn. Mặc dù vẫn còn khó khăn, tuy nhiên huyện cần có chính sách, xây dựng đề án để triển khai, kết hợp với nghiên cứu các giải pháp, cách làm mới phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn, tổ chức các chương trình tham quan cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật để nâng cao hiểu biết và nhận thức của các em trong đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.  

UBND huyện cần tổ chức kiện toàn, phân công, phân nhiệm các thành viên trong BCĐ cấp huyện về công tác bảo vệ, chăm sóc trên em trên địa bàn, gắn trách nhiệm của từng thành viên, qua đó đảm bảo hoạt động của BCĐ đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, đề nghị lãnh đạo huyện tiếp tục chỉ đạo công tác phối hợp của các ban, ngành nắm chắc tình hình, vì địa bàn vẫn còn tiềm ẩn các nguy cơ về bạo lực học đường, ma túy, do đó không nên chủ quan mà cần chú trọng đến công tác phòng ngừa là chủ yếu.

Đối với một số kiến nghị của huyện liên quan đến một số vấn đề như: Điều 12 của Bộ luật Hình sự; về kiến nghị tăng cường đội ngũ cộng tác viên bảo vệ và chăm sóc trẻ em; về việc hòa giải trước khi ly hôn; quản lý mạng Internet; tăng cường thêm nguồn lực cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em... Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp gửi các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

 

 Bản in]