Trang chủ  Tin tức sự kiện  Thông tin Quốc hội và đại biểu Quốc hội
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật trồng trọt
Cập nhật:09/11/2018 2:30:31 CH
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo trước Quốc hội
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo trước Quốc hội
Sáng ngày 09/11, sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trồng trọt, Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể tại hội trường về Dự thảo Luật này.

Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu Quốc hội nhận định Dự thảo lần này đã tiếp thu nghiêm túc, tối đa nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước. Đa số các đại biểu đánh giá, Ban soạn thảo đã chỉnh lý bố cục, kỹ thuật văn bản; chỉnh sửa tại nhiều điều khoản trong dự thảo Luật về: giải thích từ ngữ; nguyên tắc trong hoạt động trồng trọt; chính sách của Nhà nước về trồng trọt; cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt (Chương I); nghiên cứu, khai thác, sử dụng và bảo tồn nguồn gen giống cây trồng; khảo nghiệm, lưu mẫu giống cây trồng; quản lý chất lượng giống cây trồng (Chương II); yêu cầu chung về công nhận phân bón, điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và buôn bán phân bón, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón (Chương III); sử dụng trang thiết bị, vật tư nông nghiệp trong canh tác, hợp tác, liên kết sản xuất, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, yêu cầu đối với canh tác hữu cơ (Chương IV); thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm cây trồng (Chương V); trách nhiệm quản lý nhà nước về trồng trọt (Chương VI); điều khoản thi hành (Chương VII).

Quan tâm về nguyên tắc hoạt động trồng trọt tại Điều 3 Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Quốc hội Nghiêm Vũ Khải - Đoàn đại biểu thành phố Hải Phòng - cho rằng, việc quy định nguyên tắc trong hoạt động trồng trọt là cần thiết, tuy nhiên, nguyên tắc thường được quy định ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu để làm cơ sở thực hiện. Nhưng nhiều nội dung trong điều luật này có cách viết mang tính chất như chính sách, chủ trương. Do đó, đại biểu đề nghị nên chỉnh sửa lại điều luật này như sau: “ Nguyên tắc phát triến trồng trọt phù hợp với chiến lược phát triển trồng trọt, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các nguồn tài nguyên khác; đảm bảo an ninh lương thực, vệ sinh an toàn thực phẩm; sủ dụng tiết kiêm, bền vững tài nguyên đất đai, đa dạng sinh học, nước và các nguồn tài nguyên khác; tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nền trồng trọt tiên tiến, hiện đại, hội nhập quốc tế; chủ động dự báo, phòng chống thiên tai, sinh vật gây hại cho cây trồng, ứng phó kịp thời, hiệu quả những tác hại do biến đổi khí hậu gây ra.”

Theo đại biểu Nghiêm Vũ Khải, việc dự thảo Luật quy định chiến lược phát triển trồng trọt được xây dựng cho chu kỳ 10 năm, tầm nhìn 30 năm là quá dài, do đó, đại biểu đề nghị nên quy định phát triển trồng trọt được xây dựng cho chu kỳ 10 năm, tầm nhìn 10 năm tiếp theo.

Đưa ra quan điểm tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Trần văn Huynh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang - chỉ ra rằng, tình trạng được mùa mất giá có nguyên nhân nhiều từ khâu chế biến, bảo quản sản phẩm, do đó muốn khắc phục tình trạng này, cần quan tâm hơn nữa đến khâu chế biến và bảo quản. Đại biểu phân tích, Việt Nam muốn vươn xa hơn nữa trong thị trường thế giới thì Chương 5 của Dự thảo về thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm cây trồng cần phải viết sâu hơn, đảm bảo thể chế hóa được yêu cầu gắn sản xuất, chế biến với sản phẩm thành hệ thống. Đồng thời, đại biểu đề nghị cần rà soát lại toàn bộ các Chương, Điều, đảm bảo thống nhất giữa một số quy định của luật này với các luật có liên quan như Luật Sở hữu trí tuệ; hạn chế tình trạng quá nhiều điều luật giao quyền quy định chi tiết cho Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thảo luận tại hội trường, một số đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra rằng, theo bố cục, tại Chương 2 của Dự luật quy định về giống cây trồng. Tuy nhiên Chương này chưa đề cập đến cây trồng biến đổi gen, trong khi hiện nay giống cây trồng này đang phát triển mạnh, có thể ảnh hưởng đến con người, vật nuôi và môi trường; hơn nữa giống cây trồng này chỉ thích hợp trồng ở một số nơi nhất định. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải đưa nội dung này vào Dự thảo luật để đánh giá tác động sinh học cuả giống cây trồng này đối với môi trường tự nhiên và hệ sinh thái.

Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, đối với Việt Nam, trồng trọt có tầm quan trọng lớn, đất nước ta cũng có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp. Trong xu thế hội nhập quốc tế, việc hoàn thiện thể chế để tác động tốt đến việc phát triển nền nông nghiệp nước nhà là rất quan trọng. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội rất xác đáng, nghiêm túc, thể hiện sự nghiên cứu sâu, tinh thần trách nhiệm cao. Bộ sẽ rà soát, tiếp thu các ý kiến đóng góp một cách tối đa để đảm bảo có một bản Dự thảo Luật tối ưu nhất.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội; chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các cơ quan có liên quan hoàn chỉnh dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét thông qua theo đúng quy trình./.

Theo http://quochoi.vn

 Bản in]