Trang chủ  Tin tức sự kiện  Thông tin Quốc hội và đại biểu Quốc hội
THẨM TRA DỰ ÁN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU LUẬT QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ.
Cập nhật:07/10/2019 4:00:29 CH
Thượng tướng Võ Trọng Việt phát biểu kết luận phiên thẩm tra
Thượng tướng Võ Trọng Việt phát biểu kết luận phiên thẩm tra
Chiều ngày 04/10, dưới sự chủ trì của Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Ủy ban tiến hành thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Tờ trình của Chính phủ do Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo nêu rõ, theo quy định hiện hành, đang có khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Từ ngày 01/07/2018, không thể khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Thực tiễn, trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm từ trước đến nay cho thấy, đây là loại tội phạm nghiêm trọng, đa phần đối tượng có hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng có nhân thân xấu. Các loại vũ khí đối tượng sử dụng có tính sát thương cao, khi sử dụng thực hiện tội phạm với mục đích xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Công an các đơn vị, địa phương, từ ngày 01/7/2018 đến nay, đã phát hiện bắt giữ 230 vụ, 321 đối tượng liên quan đến hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, trong đó xử phạt hành chính 96 vụ, 119 đối tượng. Để bảo đảm sự tương thích giữa Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ với Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, Chính phủ xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 6 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

 

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo tại phiên thẩm tra

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, trước mắt trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật số 14/2017 như đề ghị của Chính phủ; nhưng đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu để báo cáo Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự.
Thảo luận tại phiên thẩm tra, các đại biểu cũng đề nghị Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng làm rõ khái niệm vũ khí quân dụng; vũ khí có tính năng tương tự vũ khí quân dụng.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc nên chăng quy định một điều riêng về vũ khí có tính năng tương tự vũ khí quân dụng. Qua thực tiễn đấu tranh, phòng chống tội phạm, đại diện Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cho rằng cần thiết sửa đổi các quy định để giải quyết vướng mắc, không để khoảng trống trong xử lý tội phạm, trong đó có tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, an ninh quân đội, tội phạm khủng bố.
Đại tá Bùi Trọng Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh Quân đội phân tích: “Không thể khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng như Bộ Công an đã báo cáo. Tới nếu có vấn đề này thì Bộ Quốc phòng cũng không xử lý được. Quan điểm của Bộ Quốc phòng là nhất trí với việc phải sửa đổi khoản 2 và khoản 6 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”.
Giải trình thêm về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, đại diện Cơ quan soạn thảo nêu rõ, thực tiễn, các đối tượng lợi quy định của pháp luật để hoạt động phạm tội trong thời gian qua với các tổ chức tín dụng và các cá nhân khác. Đã có những trường hợp, hoạt động cướp thành công bằng các vũ khí như vậy.
“Cái này thực sự đang rất cấp bách. Trong thời gian qua, các đối tượng mua vũ khí của nước ngoài, hướng dẫn trên mạng để tự chế tạo vũ khí, gây nguy hiểm cho xã hội. Đề nghị các đồng chí khi thấy vướng, để đi vào đời sống xã hội hàng ngày, ngăn ngừa và trừng trị được hoạt động tội phạm thì các đồng chí đồng tình với Ban soạn thảo”, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc chia sẻ.

Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh những vướng mắc là vấn đề bức xúc, cần phải sửa quy định để áp dụng trong công tác xử lý. Tuy nhiên, Cơ quan soan thảo cần giải trình kỹ việc không xử được 230 vụ, 321 đối tượng liên quan đến hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Việc không xử được liên quan trực tiếp đến Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cho nên đề nghị phải sửa.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ, có lập luận, giải trình rõ ràng về việc cần thiết sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật để tạo sự thống nhất của các Đại biểu Quốc hội khi đưa dự án Luật ra Quốc hội cho ý kiến.

 Bản in]