QUY ĐỊNH RÕ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA THỦ ĐÔ
Update11/11/2023 12:16:24 PM
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) phát biểu tại phiên họp tổ chiều 10.11. Ảnh: Việt Anh
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) phát biểu tại phiên họp tổ chiều 10.11. Ảnh: Việt Anh
Phát biểu tại phiên họp Tổ chiều 10.11, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu nhất trí với sự cần thiết về việc ban hành Luật Thủ Đô (sửa đổi), bên cạnh đó ĐBQH Nguyễn Thị Sửu cũng cho rằng công nghiệp văn hóa Thủ Đô đã có bước phát triển nhất định, đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn.

Góp ý vào Điều 23 về Bảo tồn di sản, hỗ trợ cho văn hóa, phát triển không gian sáng tạo, trung tâm văn hóa, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu cho rằng, điểm mới của Luật đã thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW về việc ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch của Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa. Đồng thời cụ thể hóa các mục tiêu về thành phố sáng tạo trong dự thảo Luật.

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Sửu, dự thảo Luật cũng cần có cơ chế chính sách cụ thể để xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô; trong đó cần xác định quy mô, số lượng và nguồn kinh phí cần đầu tư, phát triển bởi không phải công trình trung tâm công nghiệp văn hóa nào cũng đưa vào phát triển.

Thống kê cho thấy, hiện Hà Nội có số lượng di tích đứng đầu cả nước, tuy nhiên cần phân loại rõ các di tích để phát triển, trong đó có di tích lịch sử, di tích tâm linh, danh thắng… và xây dựng lộ trình cho đầu tư, xây dựng và quản lý, khai thác, sử dụng. Ngoài ra, cần làm rõ thuật ngữ trung tâm công nghiệp văn hóa với thuật ngữ khu thúc đẩy văn hóa, đó là quan hệ chính phụ hay đồng đẳng. Cần phân giải mức độ quan hệ nếu không sẽ nhầm lẫn từ hạ tầng đến cách thức quản lý nhà nước.

Về lĩnh vực y tế, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu góp ý vào Điều 27 Phát triển y học gia đình, cấp cứu ngoại viện; việc sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế. Theo đó, quyết định việc sử dụng Quỹ BHYT để phát triển hoạt động khám chữa bệnh y học gia đình trên cơ sở nguồn kinh phí BHYT được giao dự toán cho TP. Hà Nội, phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đây là quy định có tính đột phá so với các quy định của pháp luật về BHYT hiện hành, tạo điều kiện quan trọng cho việc phát triển y học gia đình.

Về cấp cứu ngoại viện, Luật giao cho UBND TP. Hà Nội quy định lộ trình phát triển và tổ chức hoạt động của hệ thống cấp cứu ngoại viện; mức giá dịch vụ cấp cứu ngoại viện; việc thanh toán dịch vụ y tế từ nguồn ngân sách địa phương, Quỹ BHYT và từ người sử dụng dịch vụ cấp cứu ngoại viện. Đây là quy định đặc thù vì pháp luật hiện hành chưa có quy định về giá dịch vụ dành riêng cho khám y học gia đình và dùng Quỹ BHYT để chi trả cho cấp cứu ngoại viện. Cơ chế này nếu phát huy tốt sẽ góp phần giảm chuyển tuyến dẫn đến giảm chi phí khám chữa bệnh.

Về chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ BHXH, BHYT; hỗ trợ khám sức khỏe cho người cao tuổi (Điều 28). Luật quy định HĐND TP. Hà Nội quyết định bố trí ngân sách để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo. Ngoài ra, theo ĐBQH Nguyễn Thị Sửu, cần nghiên cứu thêm đối tượng DTTS làm nghề phi nông nghiệp; hỗ trợ học phí học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng cho người học thường trú tại Hà Nội và con công nhân lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Dự thảo Luật quy định hỗ trợ mức đóng BHXH (100% đối với người thuộc hộ nghèo; tối thiểu 60% cho cận nghèo; tối thiểu 20% đối tượng khác), ĐBQH Nguyễn Thị Sửu đề nghị nên sử dụng khung cả tối thiểu lẫn tối đa đối với đối tượng hộ cận nghèo và đối tượng khác để tạo sự công bằng.

Về công tác khám sức khỏe miễn phí hàng năm cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn Thủ đô với kinh phí được bảo đảm thực hiện từ ngân sách địa phương của TP. Hà Nội, nguồn xã hội hóa theo lộ trình phù hợp. ĐBQH Nguyễn Thị Sửu cho rằng, đây là chính sách an sinh xã hội ưu việt của thành phố nhằm ngăn chặn bệnh tật đối với người cao tuổi từ sớm, từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi trước tình trạng “già hóa dân số nhanh và số năm sống khoẻ thấp”. Tuy nhiên, cần xác định rõ mốc thời gian/giai đoạn cụ thể.


 Print]