Trang chủ  Tin tức sự kiện  Thông tin Quốc hội và đại biểu Quốc hội
CHÚ TRỌNG NÂNG CAO VAI TRÒ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM
Cập nhật:09/10/2019 2:45:45 CH
Đồng chí Nguyễn Chí Tài - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Đồng chí Nguyễn Chí Tài - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Tiếp tục chương trình giám sát, chiều ngày 08/10/2019, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015 - 2019” đã tiến hành giám sát tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Đồng chí Nguyễn Chí Tài - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát, chủ trì buổi làm việc; cùng dự có các thành viên là đại diện lãnh đạo: Hội đồng nhân dân tỉnh, UBMTTQVN tỉnh, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Thừa Thiên Huế.

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH, tổng số trẻ em trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tính đến thời điểm 30/6/2019 là 292.272 trẻ em, chiếm 25% tổng dân số (trẻ em nam chiếm trên 51%); số trẻ em trong các gia đình nghèo là 10.394 em, chiếm gần 3,1% trên tổng số trẻ em; số trẻ em thuộc 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 4.400 trẻ em, trong đó 4.130 trẻ được hưởng trợ cấp xã hội và chăm sóc bằng các hình thức khác nhau (đạt 94%). Trong thời gian qua, Sở LĐTBXH đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là bạo lực, xâm hại trẻ em. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai thường xuyên công tác giáo dục phòng, chống bạo lực học đường, ngăn ngừa xâm hại trẻ em. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế 100% cơ sở giáo dục Mầm non đạt trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích. Hằng năm, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, Sở LĐTBXH đã phối hợp cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức lễ phát động với sự tham gia của lãnh đạo chính quyền, các phòng, ban và học sinh các cấp. Công tác tập huấn được Sở quan tâm, trong thời gian qua đã tổ chức được 33 lớp tập huấn cho phụ huynh và các trẻ em nòng cốt, 19 lớp tập huấn triển khai Luật Trẻ em; tổ chức 149 lớp tập huấn nhằm nâng cao những kiến thức, kỹ năng cơ bản và cần thiết trong việc giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản và phòng ngừa các nguy cơ liên quan học sinh, trẻ em là người dân tộc thiểu số.... Sở đã xây dựng nhiều mô hình, câu lạc bộ như: Mô hình câu lạc bộ trẻ em; mô hình ngôi nhà an toàn; mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em; mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng... Tính từ ngày 01/1/2015 đến 30/6/2019 trên địa bàn tỉnh xảy ra 48 vụ việc (xâm hại tình dục trẻ em: 36 vụ; bạo lực trẻ em: 12 vụ), so với giai đoạn 2010 – 2014 giảm 14 vụ việc (48/62), đã xử lý hình sự 41 vụ, xử lý hành chính 7 vụ.


Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và xã hội phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc các thành viên đoàn đã trao đổi một số nội dung liên quan đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em như: Tình trạng bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em trên địa bàn; việc xử lý các đối tượng cưỡng bức, ép buộc trẻ em ăn xin, bán hàng rong; công tác rà soát, hỗ trợ các cơ sở nuôi dạy trẻ em khuyết tật, mồ côi tại một số trung tâm ngoài công lập; công tác thanh tra, kiểm tra việc phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn...

Thành viên Đoàn giám sát trao đổi một số vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Chí Tài - Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao vai trò tham mưu của Sở LĐTBXH cho UBND tỉnh trong triển khai thực hiện các nội dung về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Sở đã có sự chuẩn bị tích cực, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định; công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật như: Luật Trẻ em, Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ... đã được tiến hành thường xuyên. Bên cạnh đó, Sở LĐTBXH đã xây dựng các nhiều mô hình, cách làm mới góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Lãnh đạo sở đã quan tâm đến công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ cộng tác viên. Trong thời gian qua, tình hình phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có nhiều tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, qua buổi làm việc, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn có một số vấn đề cần quan tâm như: Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần tiến hành thường xuyên hơn; việc triển khai chương trình, tuyên truyền cần phải báo cáo rõ hơn; một số khó khăn, tồn tại, hạn chế chưa được chỉ rõ; phụ lục số liệu báo cáo theo yêu cầu đề cương vẫn còn thiếu; các đề xuất, kiến nghị liên quan đến chính sách pháp luật chưa rõ ràng. Vì vậy, đề nghị Sở rà soát lại tất cả các văn bản để triển khai thực hiện đảm bảo theo yêu cầu.

 Để tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới, đồng chí Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Sở LĐTBXH chú trọng một số vấn đề sau: Quan tâm hơn nữa công tác chăm sóc trẻ em yếu thế, qua báo cáo có thể thấy hầu hết các vụ xâm hại trẻ em tập trung vào trẻ em yếu thế, trẻ em không nơi nương tựa, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có gia đình li thân.  Tội xâm phạm trẻ em là loại tội phạm ẩn, rất khó phát hiện, chỉ khi nào có trình báo địa phương mới nắm được thông tin; đặc biệt là đối tượng trẻ em yếu thế không có người trợ giúp, nếu bị xâm hại thì sẽ rất khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý. Sở LĐTBXH cần xây dựng chương trình phối hợp với các Sở, ngành liên quan, các đoàn thể chính trị, xã hội nhằm phân công rõ trách nhiệm tuyên truyền, xây dựng mô hình của từng ngành, từng đơn vị để triển khai thực hiện có hiệu quả. Trong thời gian qua, Sở đã xây dựng nhiều mô hình như: Ngôi nhà an toàn và phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em; Mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực dựa vào cộng đồng... vì vậy, Sở cần tiến hành tổng kết, nghiên cứu và nhân rộng các mô hình nhằm tạo diễn đàn giúp cho các trẻ em bày tỏ tiếng nói của mình, trang bị các kỹ năng trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Sở LĐTBXH là cơ quan thường trực của BCĐ tỉnh, vì vậy cần rà soát lại hoạt động các BCĐ công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp tỉnh; tiến hành kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động, phân công nhiệm vụ rõ ràng gắn với trách nhiệm của thành viên trong BCĐ để nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Đồng thời, Sở LĐTBXH tiếp tục trang bị kỹ năng, bồi dưỡng tập huấn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ để đảm bảo công tác phòng chống xâm hại trẻ em cho các đối tượng như: Trẻ em, đối tượng chăm sóc trẻ em, bố mẹ, các thầy, cô giáo, đội ngũ làm công tác chuyên trách, cộng tác viên... Sở cần chú trọng đến công tác thống kê số liệu, phân tích nhằm phục vụ cho việc tham mưu với UBND tỉnh. Bên cạnh đó, Sở cần làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan nội chính để tăng cường hơn nữa việc nắm bắt thông tin, xử lý tin báo tội phạm theo đúng quy định pháp luật.

Đối với một số kiến nghị của Sở đưa ra tại buổi làm việc như: Về xây dựng chiến lược bảo vệ trẻ em; về công tác cán bộ; về đầu tư thiết chế văn hóa phục vụ cho vui chơi, giải trí của trẻ. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ có tổng hợp và kiến nghị với các cơ quan chức năng nghiên cứu, giải quyết.

 

 Bản in]