Trang chủ  Tin tức sự kiện  Tin tức sự kiện trong tỉnh
Thừa Thiên Huế đón Xuân Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm
Cập nhật:22/02/2021 9:28:02 SA
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thăm các em khiếm thị ở Trung tâm Giáo dục – Hướng nghiệp Trẻ em mù
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thăm các em khiếm thị ở Trung tâm Giáo dục – Hướng nghiệp Trẻ em mù
Trong những ngày trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như đã ban hành Kế hoạch về tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu 2021. Với sự chuẩn bị chu đáo, Thừa Thiên Huế đã thực hiện đúng chủ trương phục vụ nhân dân đón năm mới và Tết cổ truyền vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm gắn với chăm lo đời sống cho gia đình chính sách, người có công và các đối tượng xã hội,... qua đó tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong toàn thể nhân dân.

Bảo đảm cung - cầu hàng hóa và chăm lo chu đáo cho các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội

Thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước về việc tặng quà cho các đối tượng có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức tặng quà của Chủ tịch Nước, của tỉnh và tại địa phương. Đến nay, (tính đến thời điểm 16/02/2021 – Mồng 5 Tết) đã tổ chức triển khai thực hiện chế độ chính sách và trao 182.211 suất quà với tổng số tiền 63,066 tỷ đồng để hỗ trợ cho người có công và các đối tượng xã hội khác.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tặng quà cho người nghèo và nạn nhân chất độc da cam

UBND tỉnh cũng thực hiện các biện pháp bảo đảm cung - cầu hàng hóa; thực hiện các biện pháp điều hành giá cả, kiểm tra, kiểm soát và bình ổn giá cả thị trường. Trong đó đã chỉ đạo các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng cường công tác dự trữ hàng hóa; chủ động, tích cực tìm thêm nhiều nguồn cung cấp hàng hoá phong phú, đa dạng, chú trọng đến việc phát triển sản xuất hàng hóa địa phương, tạo ra mối liên kết bền vững, kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định giữa các nhà phân phối lớn (Big C, Co-op Mart,Vin Mart…) với các nhà sản xuất, doanh nghiệp địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, phân phối tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia sản xuất, kinh doanh hàng hoá, tham gia bình ổn thị trường, tổ chức các hoạt động khuyến mại, đưa hàng Việt về nông thôn đảm bảo về số lượng, chất lượng, chủng loại và vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Ngay từ giữa tháng 12/2020, các doanh nghiệp, các chợ, các cơ sở kinh doanh thương mại trên địa bàn xây dựng kế hoạch tăng cường dự trữ hàng hóa, tích cực tìm kiếm thêm nguồn cung cấp hàng hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng được tăng cường trong dịp Tết với sự chủ động tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường của các địa phương và lực lượng chức năng đã góp phần duy trì sự ổn định của thị trường trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, chú trọng các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như: lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến... và các mặt hàng thiết yếu thuộc danh mục bình ổn giá.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức vui tươi, phù hợp

 Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao mừng Đảng, mừng xuân Tân Sửu 2021 tại thành phố Huế và các địa phương được tổ chức phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo dừng một số hoạt động tập trung đông người trong dịp tết như: bắn pháo hoa đêm Giao thừa tại thành phố Huế và huyện Phú Lộc; chương trình nghệ thuật đón năm mới tại thành phố Huế và các địa phương...; chỉ đạo các đơn vị, địa phương không tổ chức các hoạt động lễ hội tập trung đồng người sau Tết (bắt đầu từ ngày 16/02/2020 – Mồng 5 Tết); tăng cường thời lượng tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhất là thực hiện các biện pháp trong phòng chống lây lan của dịch bệnh tại các cơ quan, các điểm di tích, bảo tàng, các đơn vị thể thao; hạn chế mức tối đa việc tập trung nhiều người, thực hiện thông điệp “5K” trong tổ chức phòng chống dịch.

Không gian trước trụ sở UBND tỉnh là điểm nhấn mới cho người dân và du khách vui Xuân Tân Sửu 2021

Một số hoạt động đã được tổ chức trước và trong Tết nổi bật đó là Hội Báo Xuân Tân Sửu 2021 với chủ đề “Báo chí tiếp tục đồng hành cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị” vào ngày 03/02/2021 tại Hội Nhà báo tỉnh (22B Lê Lợi, thành phố Huế) với sự góp mặt của hơn 400 tờ báo Xuân, báo Tết, chương trình phát thanh, truyền hình đón chào năm mới và nhiều ấn phẩm thông tin của các Sở, ban, ngành địa phương trong tỉnh. Trưng bày triển lãm chủ đề “Chào Tân Sửu 2021” tại 15 Lê Lợi, thành phố Huế (do Bảo tàng Mỹ thuật Huế phối hợp với Nhóm Họa sĩ trẻ Huế thực hiện). Triển lãm “Phòng tranh mùa Xuân và con giáp” ngày 04/02/2021 (23 tháng Chạp) tại Tạp chí Sông Hương (do Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thực hiện). Hội Vui Xuân cùng với các hoạt động trưng bày, triển lãm các loại hoa, cây kiểng, đá nghệ thuật, đá quý; các tác phẩm thư pháp và sản phẩm thủ công mỹ nghệ diễn ra từ ngày 08/02 đến 16/02/2021 (27 tháng Chạp đến Mùng 5 Tết) tại Bia Quốc học; công viên Lý Tự Trọng; công viên Thương Bạc, đường đi bộ hai bên sông Hương.

Ngoài ra, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức các đợt triển lãm tại Đại Nội Huế và tổ chức chương trình Hương xưa bánh Tết tại sân điện Cần Chánh, Đại Nội, Huế phục vụ khách tham quan. Tổ chức lễ dựng Nêu, tặng chữ chúc Xuân tại khu vực Triệu Miếu, Thế Miếu và điện Long An... Đồng thời Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, các Bảo tàng mở cửa miễn phí cho người dân tham quan di tích trong các ngày Mồng 01-03 Tết. Các huyện, thị xã và thành phố Huế đã chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi phù hợp với diễn biến của dịch bệnh Covid-19; căn cứ các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, các địa phương xem xét việc tổ chức các hoạt động văn hóa và thể thao phù hợp, đảm bảo quy định.

Quyết liệt chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19

Ngay từ khi Bộ Y tế công bố dịch tại Hải Dương (ngày 27/01), UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp kiểm soát, ngăn ngừa lây lan của dịch bệnh, bàn hành nhiều văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn công tác chống dịch. Kích hoạt hầu hết các tổ chức, bộ máy phòng, chống dịch; chỉ đạo toàn hệ thống chính trị và y tế các cấp cùng với 23 Đội phản ứng nhanh thực hiện khai báo y tế, truy vết, cách ly, xét nghiệm theo quy định. Triển khai 04 chốt kiểm tra y tế liên ngành (sân bay Phú Bài, Ga Huế, Bến xe phía Bắc, Bến xe phía Nam). Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; đảm bảo tất cả các công dân đến thừa Thiên Huế phải khai báo y tế. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh họp giao ban 2 ngày/1 lần (kể cả Thứ 7, Chủ nhật, ngày Tết) với các ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn để nắm tình hình, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng chống dịch. Thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm PCR đối với tất cả công dân đã đi qua/đến từ tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hải Dương đến tỉnh Thừa Thiên Huế. Đối với công dân đã đi qua/đến từ Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Gia Lai, tỉnh Bình Dương: Thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm PCR đối với tất cả công dân tại các xã/phường/thị trấn có điểm dịch đã được Bộ Y tế công bố, cập nhật đến tỉnh Thừa Thiên Huế. Các tỉnh/thành phố khác: Thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm PCR đối với tất cả công dân đã đi qua/đến từ các điểm dịch đã được Bộ Y tế công bố, cập nhật đến tỉnh Thừa Thiên Huế. Thực hiện tầm soát diện rộng các đối tượng có yếu tố dịch tễ với quy mô 10.000 mẫu xét nghiệm PCR (ưu tiên người trở về từ các địa phương có dịch chưa qua 14 ngày, đội ngũ tình nguyện viên, lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch và người dân ở các nơi tiếp xúc nhiều người ngoại tỉnh qua lại).

Lực lượng chức năng làm việc xuyên Tết tại chốt kiểm soát dịch Covid - 19 ở Ga Huế

Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số theo phương châm “4 không”

Sau Tết Nguyên đán, Tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ; Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025; Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tập trung chỉ đạo công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Bên cạnh đó, sẽ bám sát chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương để hoàn chỉnh các đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020. Tiếp tục chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19. Tập trung chỉ đạo xây dựng Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, định hướng 2050; Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy về Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI; Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội 05 năm 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; các Đề án Phát triển dịch vụ đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025 định hướng 2030; Huế - Kinh đô ẩm thực; Huế - Kinh đô Áo dài; Xây dựng ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tập trung đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2021; phấn đấu giải ngân trên 50% trong 06 tháng đầu năm kế hoạch vốn được giao năm 2021, hạn chế việc phải điều chuyển, cắt giảm kế hoạch, ảnh hưởng đến tổng thể kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh. Tập trung triển khai hoàn trước 30/4/2021 giai đoạn 1 của Dự án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực vực 1 Hệ thống di tích Kinh thành Huế.

Tiếp tục chỉ đạo, nâng cao chất lượng điều hành nhằm đạt được hiệu quả thực chất hướng đến nền hành chính thân thiện, phục vụ, hiện đại và hiệu quả, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số theo phương châm “4 không” (Làm việc không giấy tờ; Hội họp không tập trung; Dịch vụ công không gặp mặt; Thanh toán không tiền mặt) và “một có” (Dữ liệu có chuyển đổi số); thực hiện thí điểm chứng thực điện tử tại cấp xã, phường. Triển khai chuyển đổi số theo kế hoạch, tập trung trước mắt các dịch vụ hành chính công, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông vận tải...


 Bản in]