Trang chủ  Tin tức sự kiện  Tin tức sự kiện trong tỉnh
Đẩy mạnh phát triển đầm phá Tam Giang - Cầu Hai
Cập nhật:01/05/2017 9:46:35 CH
Thừa Thiên Huế đang tập trung phát triển đưa đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2020 trở thành vùng có điều kiện phát triển kinh tế khá của tỉnh; lấy du lịch làm ngành kinh tế chủ lực gắn với phát triển nông nghiệp bền vững để đến năm 2020 tạo sự thay đổi đáng kể cho vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đưa vùng này trở thành một trong những khu vực có kinh tế ven biển phát triển mạnh của cả nước theo Quyết định 1955/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Kết quả phát triển

Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, trải dài 68 km thuộc địa bàn 04 huyện (Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền) và thị xã Hương Trà (chiếm 33% dân số toàn tỉnh) với diện tích mặt nước khoảng 22 nghìn ha. Tam Giang - Cầu Hai là hệ sinh thái đầm phá ven biển lớn nhất Đông Nam Á với nhiều hệ sinh thái như biển, rừng ngập mặn và bãi triều, có trên 921 loài động thực vật, trong đó có 187 loài cá, chiếm nhiều nhất là bộ cá Vược (106 loài) và các loại cá có giá trị kinh tế, chiếm 70% lượng khai thác hàng năm như cá nâu, dìa, kình, ong; tôm rảo, cua...Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai còn là nơi sinh sống của nhiều loài chim bản địa và nơi dừng chân của các loài chim di cư trú đông từ phương Bắc.

Về tài nguyên du lịch, với vùng nước mênh mang trải dài bên những cồn cát chắn sát biển với những bãi biển nổi tiếng như Thuận An, Vinh Thanh, Cảnh Dương, Lăng Cô và cửa biển Tư Hiền, Thuận An, cửa sông Ô Lâu, liền kề là vườn quốc gia Bạch Mã, sông Hương thơ mộng đã tạo lên phong cảnh thiên nhiên hữu tình, là tiềm  năng của tuyến du lịch liên hoàn (sông - đầm phá - biển - núi).

Hiện nay, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã được khai thác với diện tích khoảng trên 7 nghìn ha. Trong đó, phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn lợ ven phá và trên phá (nuôi xen ghép) khoảng trên 4,7 nghìn ha, các loại thủy sản nuôi chủ yếu là tôm sú xen ghép với các loại cua, cá dìa, cá kình, cá đối, cá rô phi...và nuôi cá lồng (cá mú, cá vẩu). Bước đầu hình thành các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và dịch vụ phục vụ du lịch trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Thành lập 23 Khu Bảo vệ thủy sản ở đầm phá, với tổng diện tích bảo vệ nghiêm ngặt 614,2 ha; cấp 45 quyền khai thác thủy sản với diện tích 15.500 ha mặt nước đầm phá. Bước đầu hình thành các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và dịch vụ phục vụ du lịch trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. 

Có thể nói, phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch trên vùng đầm phá đã tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều người dân ven đầm phá, mở ra hướng làm ăn đầy triển vọng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn của tỉnh theo hướng tích cực. Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc Nguyễn Văn Mạnh cho biết, địa bàn huyện Phú Lộc chiếm gần nửa diện tích đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Quyết định 1955/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã mở ra hướng mới cho địa phương về phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, huyện Phú Lộc đã triển khai nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ việc nuôi trồng, khai thác thủy sản và hình thành các điểm du lịch - dịch vụ trên vùng đấm phá. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh giải quyết vướng mắc, tận dụng các nguồn vốn thực hiện hiệu quả hơn Đề án này.


Hoạt động nuôi trồng thủy sản tại đầm Chuồn (đầm phá Tam Giang - Cầu Hai)

Khơi dậy tiềm năng

Để khai thác tốt tiềm năng của vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản là chủ lực, hình thành vùng nuôi trồng thủy sản có sự kết hợp 04 nhà (nhà khoa học - quản lý - người nuôi - người tiêu thụ) và đầu tư dự án Khu công nghiệp thủy hải sản ở vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Cùng với đó, tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái trong vùng bảo tồn thiên nhiên ngập nước cửa sông Ô Lâu, tràm chim Bắc Biên, Rú Chá...kết hợp khu nghỉ dưỡng đặc trưng tại Ngũ Điền, Quảng Công, Mũi né, ven đầm Cầu Hai và du lịch cộng đồng theo hình thức trải nghiệm từ nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản, văn hóa - lễ hội.

Theo nội dung Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1955/QĐ-TTg, các nhà đầu tư sẽ được hưởng một số cơ chế, chính sách ưu đãi như: Các dự án đầu tư vào vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi ở mức cao áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật liên quan. Các dự án đầu tư trên địa bàn vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai thuộc các lĩnh vực sau đây được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 30 năm đối với các dự án: Dự án đầu tư năng lượng mặt trời, năng lượng gió; Dự án bảo tồn phát triển gien sinh vật thuỷ, hải sản. Các doanh nghiệp trong nước thuộc các thành phần kinh tế có dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh tại vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai thuộc đối tượng được hưởng các loại hình tín dụng ưu đãi theo quy định hiện hành về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ đặc biệt chú trọng việc kêu gọi các nhà đầu tư phối hợp với các nhà nghiên cứu khoa học đến nghiên cứu đầu tư các dự án liên quan thủy sản, du lịch tại vùng đầm phá. Nhất là kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực, có kinh nghiệm đến đầu tư nuôi trồng thủy sản vùng đầm phá, kết hợp nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để tạo tính bền vững và đảm bảo vấn đề môi trường sinh thái.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]